Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dự báo về những áp lực ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024- 2025 theo Chương trình giáo dục mới

Thúy Hồng - 17:58, 06/09/2024

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục 2018. Đây là năm đầu tiên đổi mới phương án thi, đặc biệt đối với môn Ngữ văn thi theo chương trình mới, ngữ liệu có thể ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa; chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch. Với những thay đổi này, chắc chắn sẽ gây ra tâm lý băn khoăn, lo lắng cho cả giáo viên, học sinh.

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp THPH theo Chương trình giáo dục 2018
Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp THPH theo Chương trình giáo dục 2018

Đề thi thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh

Theo quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thay vì phải thi 6 môn như hiện nay, từ năm 2025, học sinh lớp 12 theo Chương trình GDPT mới 2018 chỉ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Hai môn thi bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn nằm trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.

Đối với môn Ngữ văn, theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) “Đối với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn và chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch.

Em Nông Việt Hà, lớp 12A1, Trường THPT Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Khi biết kỳ thi tốt nghiệp năm nay, môn Ngữ Văn sẽ ra đề mở theo hướng đánh giá năng lực học sinh, em cảm thấy cũng khá áp lực, vì môn Văn là môn có đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn là tính chính xác. Vì vậy, em đã chọn học khối tự nhiên và có dự định thi khối A01 để bớt áp lực.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển Chương trình GDPT năm 2018, cấu trúc đề thi cũng có khả năng gây áp lực đối với học sinh, vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước. "Mức độ áp lực này sẽ rất đáng kể trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới", ông Hùng dự báo.

Nhận diện một số khó khăn

Căn cứ các môn thi được công bố tại phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Chương trình GDPT 2018, sẽ có tới 36 tổ hợp bài thi cho 2 môn tự chọn của học sinh bên cạnh 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục nhìn nhận: Đây là thách thức lớn cho công tác bố trí, tổ chức thi và cần được tập huấn kỹ, chạy thử mô hình bố trí phòng thi tối ưu cho các địa phương.

Chương trình GDPT năm 2018 cũng cho rằng, cấu trúc đề thi cũng có khả năng gây áp lực đối với học sinh
Theo Chương trình GDPT năm 2018, cấu trúc đề thi cũng có khả năng gây áp lực đối với học sinh

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho rằng, do số tổ hợp tự chọn của thí sinh nhiều (36 tổ hợp), dự báo phòng thi sẽ tăng tại mỗi điểm thi. Đây là vấn đề khó khăn nhất, đặc biệt với địa phương có điều kiện cơ sở vật chất chưa tốt, số phòng học còn hạn chế.

Ngoài ra, tổ chức ôn tập cho thí sinh, nhất là các môn mới thi tốt nghiệp THPT lần đầu, giáo viên có thể gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Đề thi có cấu trúc, định dạng mới, dù Bộ GD&ĐT đã sớm công bố để học sinh, giáo viên chuẩn bị, yên tâm hơn, nhưng do năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018 nên khó tránh khỏi giáo viên, nhà trường lo lắng.

Kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức được triển khai từ đầu năm học để học sinh, giáo viên được chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt việc làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Sở GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT để địa phương chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ; sớm hoàn thiện phần mềm, thử nghiệm phương án xếp phòng thi để địa phương tham khảo thông tin, chuẩn bị cho công tác tổ chức thi. Việc tập huấn, nâng cao năng lực ra đề theo cấu trúc định dạng mới cho giáo viên cũng mong Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT với nhiều điểm mới, dự kiến sẽ chính thức ban hành vào tháng 11/2024.

Phát biểu tại Lễ tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt tập huấn toàn quốc cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên cốt cán xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.