Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào tây bắc góp đất trồng cao su: 10 năm nhìn lại...

PV - 10:35, 15/05/2019

Hàng chục nghìn hộ dân ở Tây Bắc (chủ yếu ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) đã góp đất cùng với các doanh nghiệp trồng cao su với khát vọng thoát nghèo, làm giàu từ “vàng trắng”. Nhưng khát vọng này sẽ chỉ là viễn cảnh nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách hỗ trợ.

Thu nhập giảm gần 50% vì góp đất trồng cao su

Ông Lường Văn Chương, ở bản Lạnh Kim, xã Tông Lạnh (Thuận Châu, Sơn La) có 1,6 ha đất sản xuất. Trên diện tích này, ông trồng ngô, sắn, bình quân mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng; cộng với những khoản thu khác từ khai thác lâm sản phụ trên rừng, gia đình ông dù không khá giả nhưng cũng không đến nỗi khó khăn.

Nhưng gần chục năm trước, ông đã góp 1,6 ha đất vào “đất quy hoạch” trồng cao su của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Cơ chế, chính sách khi ông góp đất là một người trong gia đình sẽ được tuyển vào làm công nhân của Công ty (chỉ áp dụng với những hộ góp từ 1ha trở lên); khi thu hoạch mủ thì được chia cổ phần.

Sau gần 10 năm góp đất trồng cao su, người dân Tây Bắc vẫn đau đáu câu hỏi: bao giờ cây cao su giúp họ thoát nghèo vươn lên khá giả? (Ảnh minh họa) Sau gần 10 năm góp đất trồng cao su, người dân Tây Bắc vẫn đau đáu câu hỏi: bao giờ cây cao su giúp họ thoát nghèo vươn lên khá giả? (Ảnh minh họa)

Sau khi góp đất, ông Chương trở thành công nhân Công ty Cổ phần Cao su Sơn La. Nhưng cuộc sống của gia đình ông lại lâm vào túng quẫn. Nguồn thu nhập chính của gia đình ông phụ thuộc vào đồng lương công nhân theo thời vụ ít ỏi.

Ông bảo, mỗi tháng chưa được 2 triệu đồng; còn về cổ phần, trong hai năm gần đây, trên diện tích 6.300m2 trồng cao su đã cho khai thác, ông cũng chỉ được chia cổ phần 1 triệu đồng. Để mưu sinh, ông buộc phải lên núi khai hoang.

Gia đình ông Lường Văn Chương là một trong 7.210 hộ ở Sơn La góp đất vào Công ty Cổ phần Cao su Sơn La để trồng cao su; nhưng sau gần 10 năm, đời sống của họ rất bấp bênh. Chỉ tính riêng với những hộ có người được nhận vào làm công nhân Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, theo số liệu của Công ty này, năm 2018, chỉ có 888/1.184 công nhân có mức lương từ 2 triệu đồng trở lên; còn lại đều rất thấp. Thậm chí có công nhân mỗi tháng chỉ được 200-300 nghìn đồng; một số công nhân dù có trong danh sách công nhân nhưng không đi làm, do đó không có lương.

Mới đây (ngày 03/5/2019), tại Hà Nội, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm khoa học “Người dân góp đất với Công ty để phát triển cây hàng hóa, từ góc nhìn của mô hình góp đất trồng cao su ở Tây Bắc” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển tổ chức, một số liệu được công bố khiến không ít người phải giật mình. Theo đó, khảo sát 399 hộ góp đất tại Sơn La cho thấy, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500 nghìn đồng/tháng. Đặc biệt, khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng, thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su; 47% số hộ cho rằng thu nhập giảm ít nhất 40%.

Cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi người dân

Không chỉ Sơn La mà ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu,… hàng chục nghìn hộ dân cũng đã góp đất trồng cao su. Số liệu đưa ra tại buổi Tọa đàm khoa học “Người dân góp đất với Công ty để phát triển cây hàng hóa, từ góc nhìn của mô hình góp đất trồng cao su ở Tây Bắc” cho thấy, sau 10 năm (2008-2018), có khoảng 30.000 hộ đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã góp khoảng 30.000 ha, chủ yếu là đất canh tác cùng với các Công ty Cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để phát triển các diện tích cao su. Tuy nhiên, đời sống của các hộ góp đất trồng cao su vẫn rất khó khăn, nếu không muốn nói là thấp hơn trước khi góp đất rất nhiều.

Để giải quyết khó khăn cho người trồng cao su ở Tây Bắc, các chuyên gia cho rằng, phải cấp thiết điều chỉnh chính sách, đặc biệt phải xem xét lại việc góp đất vào các công ty của người dân. Nên chăng nên chuyển đổi từ việc góp đất thành việc cho thuê đất, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, không thể để người dân thiệt thòi như hiện nay. Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu, đánh giá để chuyển đổi mô hình ở những vùng đất không phù hợp với cây cao su, trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn.

Một vấn đề khác cũng cần đưa ra nghiên cứu là xây dựng những cơ chế đặc thù để hỗ trợ người dân góp đất trồng cao su. Như tỉnh Sơn La, ngày 18/3/2011 HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 363/NQ-HĐND về chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn; trong đó có chính sách hỗ trợ các gia đình tham gia góp đất trồng cây cao su nhưng không có lao động nào được nhận vào làm công nhân (hoặc không tham gia). Theo đó, các hộ này được hỗ trợ về vốn phát triển sản xuất và đào tạo chuyển đổi ngành nghề, với mức 3 triệu đồng/ha/năm/hộ trong thời gian 7 năm để mua phân bón, giống cây lương thực, hoa màu, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm khi chưa có thu nhập từ cây cao su. Đây là một gợi ý về mặt xây dựng chính sách cho các địa phương khác, góp phần để cây cao su “bén rễ” trên đất Tây Bắc.

TÙNG NGUYÊN