Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Chứt ở Quảng Bình "không ở lại phía sau": Vươn lên làm giàu, nuôi con thành tài (Bài 3)

Phạm Tiến - 10:37, 28/11/2023

Cùng với sự phát triển của đất nước, hàng chục năm nay, các xã vùng đồng bào Chứt sinh sống ở Quảng Bình cũng được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực nhằm phát triển toàn diện, nhờ đó đến nay đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Điện lưới quốc gia; sóng điện thoại, mạng internet… cũng đã “về bản” để phục vụ ngày càng tốt hơn cho việc sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Đáng phấn khởi, trong những bản làng, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương đồng bào Chứt vươn lên làm giàu, nuôi con ăn học thành tài.

Làm giàu trên bản làng vùng biên

Điển hình là hộ gia đình chị Cao Thị Dung, ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Như bao hộ đồng bào Chứt khác, cuộc sống gia đình chị trước kia vô cùng khó khăn. Thế nhưng từ sự hỗ trợ sinh kế của Nhà nước, chị Cao Thị Dung đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi, nhờ sự cần cù, chịu khó lao động, ham học hỏi nên việc chăn nuôi của gia đình chị rất hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Gia đình chị đã từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá ở bản.

(Chuyên đề Dân tộc ít người): Chương trình MTQG 1719 và sự bứt phá vươn lên của đồng bào Chứt: Vươn lên làm giàu, nuôi con thành tài (Bài 3)
Chị Cao Thị Dung (Dân tộc Chứt) ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đang chăm sóc đàn lợn bản, lợn rừng chuẩn bị xuất chuồng vào dịp tết Nguyên Đán

Chị Dung kể lại, sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó, chị rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà gia đình mình, cũng như đồng bào đã và đang trải qua. Chính vì vậy, chị luôn suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu thực tế, chị nhận thấy điều kiện tự nhiên ở xã Dân Hóa rất phù hợp để chăn nuôi lợn, đặc biệt là giống lợn bản địa, lợn rừng.

Năm 2011, thông qua Hội LHPN xã Dân Hóa, chị Dung đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Thời điểm khởi đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tìm địa điểm để xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống để chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh... Tất cả đều trải qua quá trình tìm tòi, học hỏi.

Mặc dù vậy, với đức tính cần cù, chịu khó, chị Dung học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, trên sách, báo và qua các lớp tập huấn do Hội LHPN và chính quyền địa phương tổ chức. Từ đó, chị áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó, mô hình của chị phát triển ổn định và ngày càng được mở rộng.

Năm 2015, chị Dung tiếp tục vay vốn ưu đãi thêm 30 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Đến nay, gia trại của gia đình chị có 4 con lợn nái (gồm giống lợn bản địa và lợn rừng) để lấy giống nuôi gối đầu và bán cho bà con trong vùng. Trong chuồng thường xuyên duy trì trên 60 con lợn thịt và 100 con gà. Ngoài ra, chị Dung còn trồng rừng kinh tế với hơn 10 nghìn cây keo đang phát triển tốt.

(Chuyên đề Dân tộc ít người): Chương trình MTQG 1719 và sự bứt phá vươn lên của đồng bào Chứt: Vươn lên làm giàu, nuôi con thành tài (Bài 3) 1
Đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào Chứt có bước bứt phá phát triển mạnh mẽ, theo đó đời sông tinh thần của đồng bào cũng được nâng lên

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, Chị Cao Thị Dung cho biết, chỉ tính riêng việc chăn nuôi lợn, mỗi năm chị cho xuất chuồng từ 3-4 lứa lợn thịt, thu về hơn 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Chị Dung khoe, gia đình chị cũng đã chuẩn bị hơn 50 con lợn bản và lợn rừng có trọng lượng từ 20-30kg, dự kiến sẽ xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên Đán. Lợn được nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng thức ăn tự nhiên nên thịt rất thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao. Lứa lợn này, dự kiến gia đình sẽ thu về hơn 70 triệu đồng.

Hơn 10 năm cần mẫn chăn nuôi, tích lũy, đến hôm nay vợ chồng chị Dung đã trả được hết nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, gia đình chị đã tạo dựng được một cơ ngơi vững chắc và nguồn thu nhập ổn định. Hiện gia đình chị đã có một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và có điều kiện tốt để chăm sóc, lo cho con cái ăn học chu đáo. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Dung còn được biết đến là một trong những hội viên phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương.

Nuôi con ăn học thành tài

Là nông dân thuần túy, song vợ chồng người ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên ở thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa đã trở thành gia đình dân tộc Chứt tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

(Chuyên đề Dân tộc ít người): Chương trình MTQG 1719 và sự bứt phá vươn lên của đồng bào Chứt: Vươn lên làm giàu, nuôi con thành tài (Bài 3) 2
Gia đình ông Đinh Công Lý và bà Đinh thị Tuyên dân tộc Chứt đã trở thành gia đình tiêu biểu khuyến học, khuyến ở xã Hợp Hóa, huyện Minh Hóa

Gia đình ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên có 5 người con. Với sự quyết tâm và tấm lòng cao cả của người làm cha, làm mẹ, ông bà luôn hướng cho con những điều tốt đẹp nhất, động viên các con cố gắng học tập. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chưa phải dư giả, nhưng ông, bà đã cố gắng bươn chải, tìm kế sinh nhai để lo cho 5 người con lần lượt vào học Đại học.

Ông bảo, nhờ vào chế độ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các con của ông, bà được hỗ trợ tiền học phí và một số chi phí học tập nên ông, bà động viên các con gắng học để kiếm cái chữ, cái nghề, sau này có thể tự lập, trở thành người có ích cho xã hội. 

Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông, bà luôn chịu khó, chăm học, suốt thời gian học từ tiểu học lên THPT đều đạt học sinh giỏi. Khi các con lần lượt trúng tuyển vào đại học, ông bà vừa mừng, vừa lo, mừng vì các con đã ý thức được việc học tập, lo vì gánh nặng kinh tế gia đình.

Thấu hiểu với hoàn cảnh của gia đình và sự vất vả của cha mẹ, các con của ông, bà đều có ý thức vươn lên trong học tập. Mỗi khi nghỉ hè và ngoài giờ học, các em đều tranh thủ thời gian rảnh phụ giúp công việc gia đình, cắt cỏ cho bò, làm cỏ, trồng rau…

(Chuyên đề Dân tộc ít người): Chương trình MTQG 1719 và sự bứt phá vươn lên của đồng bào Chứt: Vươn lên làm giàu, nuôi con thành tài (Bài 3) 3
Một ngôi nhà 3 cứng của đồng bào Chứt ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã được xây dựng kiên cố nhờ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những nhọc nhằn của vợ chồng ông, bà Lý cuối cùng cũng được bù đắp thỏa đáng. Người con đầu là Đinh Thị Phương tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế nay đang làm Phó Bí thư Đoàn xã Hóa Hợp. Người thứ 2 là Đinh Thị Mỹ Duyên, học ngành Kế toán, Trường đại học Đà Lạt, nay đang làm ở Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng. 

Người con thứ 3 là Đinh Thị Thu Tình, học Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế, hiện đang lập nghiệp tại Đà Lạt và thứ tư là Đinh Thị Hồng Thắm, học khoa Tài nguyên-Môi trường, Trường đại học Khoa học Huế; đứa con út Đinh Lâm Hùng đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Điện tử-Viễn thông, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Đặc biệt phần thưởng cậu con út Lâm Hùng mang về cho cha mẹ trong năm đầu tiên học đại học, là em được chọn là sinh viên tiêu biểu người dân tộc Chứt ra Hà Nội để vinh danh và nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và rèn luyện năm 2022, tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiếu số xuất sắc tiểu biểu năm 2022.

Bà Đinh Thị Tuyên, mẹ của Hùng nhớ lại, khi con báo tin được ra Hà Nội vinh danh, mọi khổ cực trong tôi tan biến, hạnh phúc và tự hào lắm.

Có thể thấy, sự nỗ lực của gia đình cuối cùng cũng được bù đắp xứng đáng bằng kết quả học tập của các con. Vừa nuôi dạy con ăn học, vừa làm kinh tế giỏi nên từ hộ nghèo, đến năm 2017 gia đình ông Lý, bà Tuyên vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của xã.