Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nữ trưởng bản dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Day

Khánh Ngân - 10:52, 08/03/2021

“Trưởng bản Hồ Thị Kiên còn trẻ lắm nhưng cô ấy rất quyết đoán và làm được việc”…nhận xét của Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ Biên phòng Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), khiến chúng tôi tò mò ngược núi để tìm gặp người phụ nữ dân tộc Chứt này.

Trưởng bản Hồ Thị Kiên (bên phải) trò chuyện cùng bà con về cách làm ăn
Trưởng bản Hồ Thị Kiên (bên phải) trò chuyện cùng bà con về cách làm ăn

Làm cho dân tin…

Tôi trở lại bản Rào Tre sau nhiều năm lỗi hẹn. Vẫn là tổ công tác Biên phòng Rào Tre bên trái, vẫn là bản Rào Tre, tựa lưng vào dãy Ka Day hùng vĩ bên phải. Nhưng con đường vào bản không còn như “sợi chỉ vàng” vắt vẻo lưng chừng mây. Thay vào đó là con đường nhựa bạt núi nối đường mòn Hồ Chí Minh vào bản. Giữa những ngôi nhà của đồng bào Chứt đã không còn trống hơ trống hoác, mà đã được ngăn cách bởi những hàng rào, lấp ló những thửa rau xanh mướt, những đàn gà, đàn vịt… Kể từ thời điểm khoảng 20 người Chứt được bộ đội biên phòng, phát hiện sinh sống trong hang đá nơi rừng sâu, núi thẳm sát biên giới Việt -Lào và đưa ra định cư hòa nhập với cộng đồng, nay người Chứt ở Rào Tre đã có những đổi thay to lớn.

Hồ Thị Kiên (sinh năm 1988), là một trong những đứa trẻ hiếm hoi đầu tiên ở đây được tiếp cận con chữ, biết đọc, biết viết. Kiên còn được ra ngoài giao lưu, tiếp cận được với đời sống, văn hóa mà người Chứt từng xem là “khác lạ”. Chính điều này, đã hình thành và tạo ra một thủ lĩnh “ được việc”, được dân tin, yêu và nghe theo như bây giờ.

Trong khi, người Chứt nói riêng và nhiều đồng bào DTTS khác nói chung còn tồn tại hủ tục lập gia đình sớm, thì 19 tuổi Kiên mới lập gia đình với chàng trai cùng bản. Cuộc sống khó nhiều bề, Kiên nghĩ “không thể cứ trông chờ vào chính sách của Nhà nước mãi được”. Sau nhiều trăn trở, lại nhờ có kinh nghiệm sống và vốn kiến thức từ trường, cũng như ngoài xã hội, vợ chồng Kiên đã lao vào làm ăn để ổn định kinh tế.

Từ khai hoang thêm đất trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Từ chỗ vươn lên sản xuất đủ dùng, đến có dư giả để bán. Rồi đến cách chăm các con ăn, sinh hoạt, học tập đều có sự đổi mới theo hướng tích cực. Gia đình Kiên trở thành một tấm gương cho cả bản người Chứt lúc nào không hay. Chỉ biết sau này, gia đình Kiên trồng gì, nuôi gì cả bản cùng làm theo.

 Người dân ở Rào Tre đang hối hả vào vụ sản xuất
Người dân ở Rào Tre đang hối hả vào vụ sản xuất

Theo tục lệ người Chứt, Trưởng bản phải là những người nhiều tuổi. Nhưng giữa năm 2015, người Chứt đã “phá lệ”, chọn Hồ Thị Kiên làm Trưởng bản. Chị trở thành nữ Trưởng bản đầu tiên của người Chứt khi vừa tròn 27 tuổi. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ biên phòng, Hồ Thị Kiên đã tổ chức họp được dân, chỉ cho dân cách trồng lúa nước… Đây là những việc làm nổi bật mà các vị trưởng bản của người Chứt trước đó chưa làm được. Nhắc đến tên Trưởng bản Hồ Thị Kiên từ già đến trẻ, ai cũng khen “nó còn ít tuổi mà rất được việc”.

Kiên chia sẻ: thời gian đầu nhận nhiệm vụ gặp không ít khó khăn, áp lực. Bởi người Chứt vẫn còn giữ nhiều hủ tục… Chính vì nhận thức của người Chứt chưa thay đổi, nên khi tuyên truyền về những cái mới, cái hay thì họ không ưng bụng.

Nhưng rồi, khi được hỏi: còn bây giờ thì sao? Đôi mắt Kiên lấp lánh: “Bây giờ thì khác rồi, công việc của mình được chồng ủng hộ, bà con tin tưởng, nghe và làm theo. mọi việc thuận lắm, bây giờ mình còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện đấy”

Đưa bản làng vượt ra khỏi hủ tục

Nói về Trưởng bản Hồ Thị Kiên, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ biên phòng Rào Tre, Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết: “Từ trước tới nay, ở bản Rào Tre, tôi chưa thấy trưởng bản nào làm được nhiều việc như cô Kiên; cũng là người tiêu biểu giúp bộ đội tuyên truyền cho bà con làm kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương”.

Trải qua thời gian dài, người Chứt vẫn giữ nhiều hủ tục như: sinh con ngoài bờ suối, trọng thầy cúng hơn thầy thuốc…; đặc biệt là tập tục hôn nhân cận huyết thống. Người Chứt cũng chưa quen với việc trồng trọt và chăn nuôi. Với tâm niệm “làm để dân tin” cô gái trẻ đã không biết bao nhiêu lần, tự mình đưa phụ nữ ra các cơ sở y tế để sinh nở, kể cả là lúc nửa đêm. Không biết bao nhiều lần tự đèo xe, đưa các em trong bản đến trường...

Bằng sự bền bỉ làm, bền bỉ tuyên truyền, Hồ Thị Kiên đã làm cho “người Chứt giờ đã hiểu, cứ quanh quẩn trong cái xó nhà sàn này thì cái nghèo sẽ đuổi bám mãi. Thế nên trai, gái trong bản đến tuổi học xong thì đi làm xa. Ở đây, trẻ đến tuổi là vào lớp, ai cũng biết cái chữ”, Kiên bộc bạch: Điều khiến Kiên lo lắng nhất là việc dựng vợ, gả chồng cho các em trong bản. Nguy cơ hôn nhân cận huyết có thể tái diễn nếu như không tìm được hướng mới.

Những mầm non ở Rào Tre
Những mầm non ở Rào Tre

Khi nói về bản Rào Tre, nói về Trưởng bản Hồ Thị Kiên, ông Ngô Xuân Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành; đặc biệt là khi triển khai Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt giai đoạn I Rào Tre đã có nhiều khởi sắc. Đồng bào Chứt đã không còn tình trạng du canh du cư, một số hộ gia đình đã biết xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. "Nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ hoàn toàn, các cháu đã được đến trường đúng độ tuổi. Rào Tre có được thay đổi như ngày hôm nay, phải kể để vai trò đóng góp quan trọng của Trưởng bản Hồ Thị Kiên”.

 Ông Minh cũng cho biết thêm, địa phương cũng còn nhiều điều trăn trở, làm sao nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên, làm sao xây dựng được hệ thống giao thông để Rào Tre kết nối được với các bản khác trong tỉnh Quảng Bình….

Chia tay Rào Tre, chia tay nữ trưởng bản khi trời đã về chiều. Bóng của dãy Ka Day hùng vĩ đã đổ về phía con sông Rào Tre hiền hòa chảy, mà lòng thấy vui. Vui vì Rào Tre đã đổi mới sau nhiều năm trở lại, vui hơn khi cộng đồng người Chứt có những người con tiên tiến, biết cống hiến, biết làm nhiều việc để cuộc sống của đồng bào mình thay đổi.

 Và tin chắc, khi đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt giai đoạn II đi vào đời sống, Rào Tre sẽ kết nối giao thương mạnh hơn, cơ sở vật chất, đời sống Nhân dân sẽ tốt hơn. Những vấn đề “đang trăn trở” như hôn nhân cận huyết, đất sản xuất…sẽ được giải quyết dứt điểm.