Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào cần được trao đúng “cần câu”

Kim Ngân - 20:34, 17/12/2020

Đầu tư cho công tác giảm nghèo là chính sách lớn, mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Theo đó, những năm qua, đã có hàng triệu hộ dân tại nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đã được hỗ trợ “cần câu” từ những chính sách, dự án để có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập nảy sinh trong thực tiễn cần được xem xét một cách nghiêm túc, để các dự án hỗ trợ người nghèo đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng bào vùng cao cần được hỗ trợ những máy tuốt lúa gọn nhẹ để dễ di chuyển trên địa hình sườn dốc
Đồng bào vùng cao cần được hỗ trợ những máy tuốt lúa gọn nhẹ để dễ di chuyển trên địa hình sườn dốc (Ảnh TL)

Những năm gần đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tăng cường phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư hợp phần hỗ trợ sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Song tại một số địa bàn của tỉnh Điện Biên, công tác hỗ trợ sản xuất nói chung, hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp nói riêng còn hạn chế, bất cập, chưa phát huy hiệu quả. Nhiều hộ được hỗ trợ máy xay xát, máy thái rau chạy bằng điện, nhưng địa bàn chưa có điện lưới quốc gia hoặc máy móc không phù hợp với đặc thù sản xuất, địa hình... nên không sử dụng được.

Đơn cử như nhóm hộ dân bản Huổi Anh, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) được hỗ trợ máy tuốt lúa. Với địa bàn canh tác nương rẫy, đồng bào cần những máy tuốt lúa nhỏ, gọn, có thể di chuyển lên nương dễ dàng. Thế nhưng, họ lại được nhận những chiếc máy to, cồng kềnh, không thể di chuyển xa, vận chuyển lên nương lại càng khó khăn. Ông Lý A Gâu, bản Huổi Anh, xã Tênh Phông, một trong những hộ dân được hỗ trợ máy tuốt lúa chia sẻ: “Cái máy tuốt lúa gia đình tôi được hỗ trợ quá to, mỗi lần muốn đưa lên nương phải tháo rời từng bộ phận và huy động từ 2 - 3 người mới vận chuyển được. Rất bất tiện”.

Tương tự, một số nhóm hộ ở thôn Ðề Tâu, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) được các phòng, ban chuyên môn của huyện hỗ trợ máy xát thóc chạy bằng điện. Thế nhưng thời điểm hỗ trợ máy xay xát, thôn Ðề Tâu vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ông Sùng A Su, thôn Ðề Tâu, xã Mường Ðun cho biết: “Ðược sự quan tâm hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, chúng tôi rất biết ơn và lấy đó làm động lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng cần phải hỗ trợ sát với thực tế, nhu cầu của người dân thì mới phát huy được tác dụng”.

Cũng là câu chuyện hỗ trợ thoát nghèo, năm 2017, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng hoa lay ơn trên diện tích hơn 2,2 ha. Mô hình được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế nhằm giúp hàng chục hộ tăng thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay, mô hình này đã phá sản. Thực tế cho thấy, mô hình này không thể tồn tại và nhân rộng là do chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Việc trồng hoa lay ơn đòi hỏi kỹ thuật khá cao, dù đã được tập huấn nhưng các hộ dân vốn chỉ quen trồng lúa, làm nương khó mà đáp ứng. Bên cạnh đó, Pác Nặm là huyện vùng cao, nhu cầu mua hoa của người dân không nhiều, nếu chuyển đi bán ở những đô thị lớn thì đường xá xa xôi khó để cạnh tranh vì chi phí vận chuyển cao.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người nghèo trong sản xuất còn nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là nhiều mô hình chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; việc duy trì và nhân rộng mô hình còn gặp khó khăn; người được hưởng thụ hỗ trợ còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn cho biết, do hạn chế về thông tin, người dân chưa nắm bắt được việc hỗ trợ sản xuất, trồng trọt theo hình thức tổ nhóm để được giúp đỡ, giám sát nhau dẫn đến chưa thực hiện theo đúng các quy trình văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, trên cùng một địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án sẽ gặp khó khăn, do có sự chồng chéo.