Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả từ việc hỗ trợ hộ nghèo theo nhu cầu

Thúy Hồng - 09:52, 07/08/2020

Chủ động tiến hành rà soát danh sách các hộ nghèo, lựa chọn, bình xét dân chủ để phân bổ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu của người dân… là cách làm mang lại hiệu quả tích cực khi triển khai thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Thông qua nguồn hỗ trợ, bà con những vùng khó khăn trên địa bàn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống.

Người dân xã Sà Dề Phìn phát triển mô hình trồng lê mang lại giá trị kinh tế cao.
Người dân xã Sà Dề Phìn phát triển mô hình trồng lê mang lại giá trị kinh tế cao.

Noong Hẻo là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Hơn 10 năm trước, khi địa phương này bị cơn lốc và ma túy càn quét, cuộc sống của người dân tiêu điều, xơ xác. Nhưng những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc như: Xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135… kinh tế - xã hội đã từng bước phát triển, đời sống người dân đang thay đổi từng ngày.

Minh chứng như gia đình bà Lò Thị Khi, ở bản Ta Đanh. Nhờ được cán bộ huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê và được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, bà Khi đã mạnh dạn đầu tư mua dê để chăn nuôi. Ban đầu bà được hỗ trợ vay vốn mua 6 con dê, đến nay đàn dê đã tăng lên 15 con. Với giá dao động 110 - 130 nghìn đồng/kg hơi, mỗi con dê sau khi bán, bà cũng thu về trên 3 triệu đồng.

Bà Khi cho biết, nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật nuôi dê nên đời sống kinh tế gia đình bà đã ổn định, bà đã chủ động đăng ký ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng cung cấp nước cho sản xuất, giúp bà con trong xã sản xuất lúa nước được 2 vụ. Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu của người dân, nhờ đó cuộc sống người dân ngày càng no ấm hơn.

Còn đối với xã Nậm Cha, cũng là xã ĐBKK của huyện Sìn Hồ, hằng năm, xã được phân bổ nguồn vốn 200 - 300 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất. Triển khai hỗ trợ người dân, chính quyền xã đã tiến hành triển khai họp bản, lấy ý kiến bà con trước khi thống nhất đối tượng và phương án hỗ trợ sao cho đúng nhu cầu để phát triển kinh tế. Với cách làm dân chủ, công tâm, minh bạch, chính quyền xã đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Từ nguồn hỗ trợ, bà con rất phấn khởi làm ăn, nhiều hộ đã mua các loại giống lúa có năng suất cao về cấy, từ đó kinh tế khá hơn, giúp 20 - 25 hộ thoát nghèo mỗi năm.

Có thể nhận thấy Chương trình 135 đã và đang tạo điều kiện thay đổi diện mạo nông thôn vùng khó của huyện Sìn Hồ. Theo thống kê của Phòng Dân tộc Sìn Hồ, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện có 21 xã, thị trấn với tổng số 177 bản ĐBKK được triển khai Chương trình 135. Riêng đối với Dự án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2016 đến nay, huyện được phân bổ 12,783 tỷ đồng. Theo đó, các loại máy móc hỗ trợ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi đều bảo đảm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người dân… Qua đó, giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%/năm.

Nói về hiệu quả thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135 trên địa bàn, ông Giàng A Páo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Để thực hiện Chương trình, hằng năm huyện đều chỉ đạo các xã phải tiến hành rà soát danh sách các hộ nghèo. Danh sách này được công khai đến từng hộ, sau đó các thôn bản tiến hành bình xét dân chủ, công khai và chính quyền địa phương sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể. Các hạng mục công trình được xây dựng trên địa bàn xã, bản đều có sự tham gia của người dân.