Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào các DTTS tỉnh Nghệ An “Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”

Nguyễn Thanh - 17:20, 08/07/2024

“Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, là phương châm hành động trong suốt giai đoạn 2019 - 2024 của đồng bào các DTTS ở Nghệ An khi thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III cấp huyện, năm 2019. Tinh thần này đã khơi dậy và lan tỏa ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân, toàn hệ thống chính trị... cùng nhau xây dựng gia đình, thôn bản ngày càng phát triển.

Mô hình thâm canh lúa chất lượng tại xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn
Mô hình thâm canh lúa chất lượng tại xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn

Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện tại Nghệ An đã khép lại trong niềm vui hân hoan về những kết quả mà cộng đồng các DTTS nơi đây đạt được, sau 5 năm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện. 

Kết quả nổi bật nhất, là tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS Nghệ An giảm so với giai đoạn đầu khoảng 8%. Tiêu biểu như huyện Thanh Chương, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm khoảng 5%; huyện Tương Dương mỗi năm giảm 4 - 5%; huyện Kỳ Sơn, mỗi năm giảm 3 - 5%; huyện Con Cuông mỗi năm giảm 3%...

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, có nghĩa là sinh kế của bà con ngày càng ổn định, tỷ lệ lao động có việc làm ngày càng tăng, vì thế mà thu nhập bình quân mỗi năm của người dân được nâng lên. Tại huyện Kỳ Sơn, thu nhập bình quân của người dân đã nâng lên 24,7 triệu đồng/năm, tăng 3,8 triệu đồng/năm so với năm 2019. Huyện Tương Dương thu nhập bình quân đầu người ấn tượng, khi cuối năm 2023 là 36 triệu đồng/năm, tăng 133,3% so với năm 2019 (27 triệu đồng/năm). Riêng ở vùng DTTS Thanh Chương, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần so với năm 2019, từ 16,5 triệu đồng/năm, đến nay tăng lên 31,5 triệu đồng/năm. 

Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS Nghệ An đã có nhiều khởi sắc; các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… đã được hỗ trợ đầu tư, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Kết quả này, cũng là hiệu quả từ triển khai, thực hiện chương trình, dự án chính sách dân tộc và hiện nay là các Chương trình MTQG đã và đang tiếp tục triển khai trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trạm Biên phòng Cò Phạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn người dân Đan Lai sản xuất rau màu
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cò Phạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn người dân Đan Lai sản xuất rau màu

Đơn cử như, ở Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng; chính sách bình đẳng giới; chính sách đối với Người có uy tín... đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS ở Nghệ An.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, từ Chương trình MTQG 1719, đã có 89 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, 417 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, 2.736 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Toàn tỉnh cũng đã có 114 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh được đầu tư, 68 nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, 17 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo và xây dựng, 1.633 người được hỗ trợ đào tạo nghề...

Ông Vy Mỹ Sơn - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho hay: Thực hiện kế hoạch về triển khai chính sách dân tộc trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2024 đang từng bước làm thay đổi vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa; giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khỏe...

Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ IV cấp huyện năm 2024 đã đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội về kết quả huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và trong Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, đề ra những giải pháp, biện pháp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2024 - 2029.

Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương ngày càng đổi mới
Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương ngày càng đổi mới

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vy Mỹ Sơn nhấn mạnh: Đại hội đã khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tại 11 huyện, thị xã tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS có 1.386 đại biểu tham dự, trong đó có 507 đại biểu khách mời. Đại hội cấp huyện đã diễn ra theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh với tinh thần trang trọng, tiết kiệm. Tại Đại hội các DTTS cấp huyện, đã có 71 tập thể, 122 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện, thị xã giai đoạn 2019 - 2024 được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen; 83 cá nhân là đại biểu chính thức có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 cũng đã được nhận Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc tỉnh.

Theo kế hoạch, vào tháng 9/2024 tới đây, Đại hội Đại biểu các DTTS Nghệ An lần thứ IV sẽ được tổ chức tại thành phố Vinh, với 333 đại biểu tham dự. Dự kiến tại Đại hội  sẽ có 2 tập thể và 20 cá nhân có thành tích tiêu biểu được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 1 tập thể và 2 cá nhân đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen.