Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Ba Na ở Gia Lai tổ chức lễ “Mừng chiến thắng”

Ngọc Thu - 18:56, 12/05/2024

Mừng chiến thắng là lễ hội rất đặc trưng của người Ba Na nói riêng và trong văn hóa Tây Nguyên nói chung. Đây là dịp để cộng đồng người Ba Na thực hiện lời hứa trả ơn thần linh sau những đợt chống lại thiên tai, dịch họa, đồng thời cầu xin các vị thần tiếp tục giúp đỡ để cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên, có những mùa vụ tươi tốt, đủ đầy.

“Mừng chiến thắng” là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng Ba Na ở Gia Lai
“Mừng chiến thắng” là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng Ba Na ở Gia Lai

Nhằm góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mới đây, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp đã với UBND xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức phục dựng lễ “Mừng chiến thắng” của người Ba Na tại nhà rông thôn Klot.

Trước kia, trong xã hội cổ truyền, lễ mừng chiến thắng còn mang ý nghĩa khi cộng đồng chiến thắng kẻ thù bên ngoài xâm phạm lãnh thổ của mình. Ngày nay, lễ “Mừng chiến thắng” vừa thể hiện lòng thành kính của dân làng đối các thần linh, đồng thời, thể hiện tình sự gắn bó, tình đoàn kết, tạo nên sức mạnh của buôn làng.

Dân làng cùng nhau trình diễn cồng chiêng bài "Mừng chiến thắng"
Dân làng cùng nhau trình diễn cồng chiêng bài "Mừng chiến thắng"

Lễ Mừng chiến thắng của người Ba Na ở Kon Gang được tổ chức đúng theo các nghi thức cổ truyền. Hội đồng già làng thực hiện các nghi lễ cúng Yàng với vật phẩm là đầu trâu, đầu heo, gà nướng, cơm lam và rượu ghè.

Đối với đồng bào Ba Na ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Lễ Mừng chiến thắng là một nghi lễ quan trọng trong những nghi lễ chung của cộng đồng được tổ chức tại nhà rông của làng.

Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng yàng
Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng Yàng

Ở phần hội, ngoài cồng chiêng, xoang còn có múa khiên, múa lao với những động tác “vờn trâu”, rước lửa thể hiện tinh thần mừng chiến thắng. Đây cũng là dịp để những chàng trai, cô gái khoe tài năng, công lao của mình đã góp công sức nhỏ bé xây dựng buôn làng no ấm. Nhất là những chàng trai dũng mãnh còn có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn, bình yên của buôn làng.

Thanh niên trai tráng trong làng múa khiên, múa lao thể hiện sức mạnh, tinh thần chiến thắng
Thanh niên trai tráng trong làng múa khiên, múa lao thể hiện sức mạnh, tinh thần chiến thắng

Trong không gian khoáng đạt, linh thiêng, các em nhỏ quây quần bên bếp lửa nghe già làng kể Khan - một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên. Đây là thể loại sử thi, trường ca kể về truyền thống cha ông, về công trạng, phong tục, tập quán của dân tộc Ba Na. Trong đó, có Bok Núp, Bok Wừu, những người anh hùng của dân tộc Ba Na, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ đoàn kết, nêu cao tinh thần cống hiến và bảo vệ buôn làng.

Già làng kể khan, nhắc nhở thế hệ trẻ đoàn kết, nêu cao tinh thần cống hiến và bảo vệ buôn làng
Già làng kể Khan, nhắc nhở thế hệ trẻ đoàn kết, nêu cao tinh thần cống hiến và bảo vệ buôn làng

Lễ hội Mừng chiến thắng của người Ba Na đã thể hiện tất cả những tinh hoa trong văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các DTTS. Trong lễ hội, tiếng chiêng từ những bộ cồng chiêng cổ nhất, có âm thanh hay nhất được ngân vang núi rừng. Những thiếu nữ Ba Na xinh đẹp trong trang phục truyền thống uyển chuyển theo nhịp xoang, nhịp trống chiêng… hòa giữa trời Tây Nguyên trong xanh lộng gió.

Các cô gái Ba Na trong trang phục truyền thống trình diễn những bước xoang uyển chuyển, nhịp nhàng
Các cô gái Ba Na trong trang phục truyền thống trình diễn những bước xoang uyển chuyển, nhịp nhàng

Mừng chiến thắng là lễ hội rất đặc trưng của người Ba Na nói riêng và trong văn hóa Tây Nguyên nói chung. Phục dựng nghi lễ cổ truyền này góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đồng thời bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.