Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Yên: Gìn giữ kho tàng văn hóa các DTTS

T.Nhân - 12:12, 31/03/2024

Vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên tập trung ở 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc như Ba Na, Ê Đê và người Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm). Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán và bản sắc riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, tỉnh Phú Yên luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

Đồng bào các DTTS thiểu số tỉnh Phú Yên có một kho tàng văn hoá truyền thống đặc sắc và đa dạng
Đồng bào các DTTS tỉnh Phú Yên có một kho tàng văn hoá truyền thống đặc sắc và đa dạng

Nhiều nét văn hóa độc đáo

Trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, thì huyện Sông Hinh là địa phương lưu giữ kho tàng văn hóa của các DTTS độc đáo và nhiều màu sắc. Về kiến trúc có nét văn hóa của nhà rông, nhà dài, nhà mồ... Về âm nhạc có cồng, chiêng, trống, kèn, đàn tính, đàn goong, tù và… Dân ca, dân vũ có không gian cồng chiêng, múa xoan, nhảy a ráp, hát khan, hát then... Về phong tục, tín ngưỡng có tục cưới hỏi, ma chay, nghi lễ, thờ cúng. Về trang phục có hoa văn, thổ cẩm mang đầy đủ các nét đặc trưng của dân tộc bản địa và các dân tộc từ nhiều nơi về đây sinh sống.

Theo thống kê của Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Phú Yên, trên địa bàn huyện Sông Hinh có gần 100 sử thi, nhiều nhất là sử thi của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Từ xưa, sử thi chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

 Mỗi sử thi là một câu chuyện lịch sử gắn bó với cộng đồng, được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi khi nghệ nhân hát sử thi, buôn làng từ già đến trẻ lũ lượt kéo đến im lặng lắng nghe, hết đêm này qua đêm khác. Sự cuốn hút của sử thi không chỉ là ở tiết tấu, âm điệu mà còn qua sự biểu đạt truyền cảm của nghệ nhân, qua nội dung câu chuyện ở từng chương, từng khúc.

Qua sử thi, chúng ta nhận biết được quá trình xây dựng, hình thành, lịch sử đấu tranh chống thiên tai, bạo lực, bất công; lưu truyền các phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng và mối quan hệ giữa các tộc người trong địa vực cư trú. 

Không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề, mà chất lượng nhiều bản sử thi của Sông Hinh rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ... Vì lẽ đó,  các nhà khoa học không ngần ngại đưa ra nhận định: “Sông Hinh là quê hương của sử thi”.

Lúc sinh thời, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng, là người dầy công nghiên cứu và sưu tầm sử thi. Sử thi ông sưu tầm hầu hết là sử thi anh hùng với đề tài chiến tranh, trong đó phổ biến và tiêu biểu hơn cả là sử thi Chi Lơ Kok. Chi Lơ Kok phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người và xã hội của các dân tộc Ê Đê, Ba Na từ bao đời nay là xứ sở xinh đẹp, giàu có.

Đặc sắc trang phục truyền thống của người Chăm Hroi Phú Yên
Đặc sắc trang phục truyền thống của người Chăm Hroi Phú Yên

Huyện Sơn Hòa cũng là địa phương còn in đậm dấu ấn văn hóa các DTTS, như diễn tấu cồng chiêng, múa dân gian, múa xoang, đàn goong… Anh Rơ Chăm Y Thiêu ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa) chia sẻ: Hiện nay, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ rất nhiều bản sắc văn hoá của cha ông. 

Riêng bản thân mình rất thích đàn goong. Cũng vì yêu thích đàn goong mà mình đã theo những nghệ nhân lớn tuổi trong buôn làng để học đàn hát, vừa học hỏi kinh nghiệm trình diễn và chế tác đàn. Càng tìm hiểu lại càng đam mê nên đàn goong đã trở thành một phần trong cuộc sống của anh suốt thời gian qua.

“Với âm thanh rộn ràng, tiếng đàn goong là nhạc cụ không thể thiếu trong những dịp lễ hội của chúng tôi. Để chơi goong, người chơi cũng phải kỳ công, vừa chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón để gảy. Âm thanh đàn goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng...”, anh Thiêu cho biết thêm.

Còn tại huyện Đồng Xuân, vũ điệu “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, được xem là báu vật của đồng bào DTTS nơi đây. Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, bà con người Chăm Hroi, Ba Na cùng nhau mở hội “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây vào những ngày đầu Xuân.

Tại lễ hội, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm được tái hiện sinh động và chân thực. Tiếng trống đôi với chuỗi âm thanh tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt nhẹ nhàng, khi dồn dập sôi nổi của các chàng trai cùng những động tác múa nhuần nhuyễn, tinh tế của cơ thể. Hòa cùng âm thanh của “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” là những điệu múa xoang uyển chuyển của các chàng trai cô gái nơi miền sơn cước.

Người Chăm Hroi Phú yên còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống độc đáo và mang đậm tính nhân văn
Người Chăm Hroi Phú Yên còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống độc đáo và mang đậm tính nhân văn

Ông Bùi Văn Hiệp, thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho hay: “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm Hroi ở Xí Thoại, Xuân Lãnh nói riêng và cộng đồng các DTTS của Phú Yên nói chung. Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại lễ hội để tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và cầu xin các thần linh che chở phù hộ cho con cháu, buôn làng.

Nỗ lực giữ gìn

Hằng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương nơi có đồng bào DTTS sinh sống tổ chức điều tra di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, đánh giá hiện trạng, giá trị di sản văn hóa để lựa chọn, tiến hành sưu tầm, nghiên cứu trên từng địa bàn và từng dân tộc. 

Đặc biệt, việc thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2023-2025 của UBND tỉnh, đã góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từng bước xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch, thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Các lễ hội của đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên đều mang ý nghĩa cảm tạ thần linh, cầu mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, con người có sức khoẻhoà
Các lễ hội của đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên đều mang ý nghĩa cảm tạ thần linh, cầu mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, con người có sức khoẻh

Thực hiện Dự án 6, ngành Văn hóa tỉnh Phú Yên đã và đang phối hợp với các địa phương phục dựng Lễ hội Xuống đồng của người Tày, Nùng tại huyện Sông Hinh; tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng tại huyện Sơn Hòa; xây dựng mô hình tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa đặc thù dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hòa; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Đồng Xuân; tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm tại huyện Đồng Xuân, huyện Sông Hinh…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết: Ngành Văn hóa thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa miền núi, như bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2023. Thông qua các hoạt động này, chắc chắn giá trị văn hoá của các DTTS sẽ được bảo tồn và phát huy.