Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao

N.Tâm - H.Diễm - 08:33, 16/06/2022

Những ngày gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH). Thời tiết nắng nóng đan xen mưa, là yếu tố bất lợi để dịch bệnh bùng phát mạnh, do vậy các địa phương trong khu vực cần có những biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh SXH.

Bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận nhiều trường hợp mắc SXH
Bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận nhiều trường hợp mắc SXH

Ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến

Tại Sóc Trăng, dịch bệnh SXH đã bùng phát từ cuối tháng 4, tính đến 5/6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca mắc SXH dengue, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021; trong đó có 23 trường hợp SXH dengue nặng và 1 trường hợp tử vong; ghi nhận ở 128 ổ dịch, tăng 130% so cùng kỳ năm trước. 

Các địa phương có số ca mắc cao, là thị xã Vĩnh Châu và các huyện: Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú. Nhiều trường hợp đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng SXH đã chuyển nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, theo dõi thường xuyên và thời gian điều trị kéo dài hơn.

Chị Dương Thị Tha Uy ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết, thời tiết trời lúc mưa lúc nắng nên khi con chị nóng trán, tưởng bị cảm mưa, gia đình mua thuốc cho uống, sau 3 ngày không thấy giảm sốt nên đưa đến trạm y tế khám và xét nghiệm, thì mới biết cháu bị SXH và trong giai đoạn nặng phải chuyển thẳng lên Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng.

 "Rất may, nhờ có các bác sĩ điều trị tích cực 9 ngày, sức khỏe cháu dần ổn định. Bác sĩ nói, chỉ chậm chút là nguy hiểm đến tính mạng của cháu. Sau lần này, gia đình sẽ cảnh giác với muỗi và không lơ là khi con nóng sốt", chị Tha Uy bộc bạch

Tỉnh Đồng Tháp thời gian gần đây, liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc SXH. Ttheo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 3/6, toàn tỉnh ghi nhận 1.640 ca SXH, tăng 1.085 ca so với cùng kỳ năm 2021; các địa phương có số ca mắc SXH cao là huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự, TP. Cao Lãnh,.. tuy nhiên nhiều ca bệnh xuất hiện với biểu hiện không rõ ràng, làm nhiều người nhầm lẫn với các bệnh khác, nên khi đưa đến các cơ sở y tế một số trường hợp đã chuyển năng, thậm chí đã ghi nhận tử vong.

Ông Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, cho biết, số ca SXH tăng cao là do diễn biến thời tiết thất thường, mưa, nắng đan xen và nhiệt độ trung bình các ngày ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển gây bệnh SXH.

Hiện An Giang cũng là địa phương có ca mắc SXH cao nhất khu vực ĐBSCL. Theo Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh số ca SXH liên tục tăng; tính đến đầu tháng 6 này, trên địa bàn toàn tỉnh đã đã phát hiện và điều trị cho gần 4.000 ca mắc.

 

Tăng cường các biện pháp phòng chống SXH
Các lực lượng tham gia tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện các biện pháp phòng chống SXH

Tăng cường biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Hân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên cho biết, hiện các Trạm Y tế cũng đã nắm chắc các điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch để thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng; phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch, không để ổ dịch bùng bùng phát, lan rộng. Đồng thời, tuyên truyền cho các hộ dân về cách phòng bệnh SXH.

“Song song với việc nắm tình hình các ổ dịch, Trung tâm cũng tham mưu cho UBND TP. Long Xuyên thực hiện các mô hình như: Giám sát tác động chuyển đổi hành vi của các hộ gia đình để phòng chống SXH, tạo cho người dân thói quen hàng tuần phải tổng vệ sinh các dụng cụ có chứa nước, có loăng quăng. Đồng thời, thực hiện các Tổ xung kích phòng, chống SXH ở các địa phương”, bác sĩ I Trần Thị Hân chia sẻ thêm.

Cùng với ngành chuyên môn tuyên truyền cho đồng bào các biện pháp phòng chống SXH, hiện các đồn Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cũng đã có sáng kiến nuôi và nhân giống cá bảy màu tặng cho đồng bào Khmer trên địa bàn ven biển.

Việc nuôi cá bảy màu giúp diệt loăng quăng, không cho chúng phát sinh thành muỗi, trung gian truyền bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh SXH. Đây là một giải pháp không tốn tiền, dễ dàng triển khai, hộ dân nào cũng có thể thực hiện được để phòng, chống bệnh SXH.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2022 đến nay, lực lượng Biên phòng đã tặng cho người dân tại các phường, xã biên giới của tỉnh Sóc Trăng hơn 5.000 con cá bảy màu bố mẹ để gây giống và diệt loăng quăng; đồng thời phát hơn 2.000 tờ rơi về cách phòng, chống dịch bệnh SXH.

Để giảm ca mắc mới tại “điểm nóng” thị xã Vĩnh Châu, ngoài tặng cá, bộ đội Biên phòng còn nhiều hình thức tuyên truyền phòng chống dịch SXH phong phú, đa dạng như: Phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình, tuyên truyền qua mô hình “Tiếng loa biên phòng”; hay phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền qua loa truyền thanh của địa phương...