Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Đòn bẩy” từ các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Lạng Sơn

Ngọc Hân - 05:12, 26/11/2023

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với các chủ trương chung của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, kịp thời ban hành các Đề án, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Kiểm tra tốc độ sinh trưởng đàn thỏ tại HTX chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch, huyện Chi Lăng
Thành viên HTX chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch (huyện Chi Lăng ) kiểm tra tốc độ sinh trưởng đàn thỏ.

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 406 HTX đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 1.032 tỷ đồng, trong đó có 325 HTX nông nghiệp. So với những HTX ở các lĩnh vực khác, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn, gặp nhiều khó khăn hơn như thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thị trường tiêu thụ nhỏ, hẹp… Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp khiến cho nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn.

Trước bối cảnh đó, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX. Điển hình như hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế, số cán bộ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên rất ít. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao cho HTX, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 30 lượt trí thức trẻ về làm việc tại 29 HTX nông nghiệp. Từ nguồn nhân lực có trình độ được bổ sung đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn.

Tập huấn chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách của HTX
Tập huấn chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách của HTX

Anh Vương Văn Ban, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập cho biết: HTX được thành lập năm 2018 với 8 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi. Tháng 4/2022, HTX được hỗ trợ trí thức trẻ về làm công việc kế toán cho đơn vị. Do có trình độ chuyên môn cũng như nhiệt huyết của sức trẻ nên trí thức trẻ đã hỗ trợ thêm cho HTX khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi. Hiện nay, HTX duy trì 130 con bò gồm cả bò thịt và bò sinh sản; gần 1000 con gà, vịt. Hiện, đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt và dự kiến sẽ được bán vào năm sau.

Cùng với việc đưa trí thức trẻ về làm việc tại HTX, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, công tác đào tạo, tập huấn được các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng với 650 lượt người là cán bộ HTX tham dự. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức 6 lớp tập huấn với các nội dung liên quan đến quản lý, điều hành HTX.

Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2022, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn đã triển khai các chính sách hỗ trợ khác cho HTX như: Hỗ trợ 23 HTX vay vốn tại các ngân hàng thương mại với dư nợ gần 90 tỷ đồng; 6 HTX được vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ thành lập mới 22 HTX với kinh phí 440 triệu đồng; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho 16 trường hợp với kinh phí gần 500 triệu đồng; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hỗ trợ trang thiết bị sản xuất, bảo quản, chế biến cho 6 HTX…

Từ các chính sách hỗ trợ nêu trên đã góp phần quan trọng giúp nhiều HTX nông nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bà Chu Thị Mai, Giám đốc HTX Văn Quan Xanh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: HTX được thành lập năm 2016 với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ươm cây giống. Khoảng 2 năm trở lại đây, HTX tìm hiểu và mở rộng thêm mô hình sản xuất dầu sở. Để hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm mới này, năm 2022, các cơ quan liên quan đã hỗ trợ HTX gần 40 triệu đồng để xây dựng nhãn hiệu dầu sở của HTX (tháng 12/2022, sản phẩm của HTX đã được cấp nhãn hiệu). Đây là tiền đề quan trọng để HTX đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Thu hoạch trứng gà tại Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Lộc Bình
Thu hoạch trứng gà tại Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Lộc Bình

Cùng với chính sách hỗ trợ HTX được tập trung triển khai thực hiện, từ năm 2022-2023, các cấp, ngành liên quan còn triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trực tiếp tại địa bàn các huyện, thành phố (bình quân 150 đơn vị/cuộc). Thông qua hình thức gặp mặt như vậy giúp nhiều HTX, trong đó đa số là các HTX nông nghiệp nêu lên các khó khăn, vướng mắc và được trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan giải đáp, gợi mở hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp cộng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các HTX đã giúp nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vượt khó vươn lên phát triển. Theo đó, hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 36 HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt, tăng 8 HTX so với năm 2021; 169 HTX hoạt động trung bình, tăng 35 HTX so với năm 2021, còn lại là các HTX hoạt động yếu và chưa đủ điều kiện xếp loại. Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp trung bình đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song từ những chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước đã tạo động lực, đòn bẩy để thúc đẩy các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vượt khó vươn lên phát triển.