Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi thay trên những bản người Cống

PV - 15:34, 27/07/2018

Dân tộc Cống là một trong những dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Điện Biên, điều kiện kinh tế, cuộc sống trước đây còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Tuy nhiên từ năm 2013 trở lại đây, Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cống” được triển khai đã tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh.

Dân tộc Cống ở Điện Biên hiện nay có 215 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, sinh sống rải rác tại 5 bản vùng cao, khó khăn, gồm: Púng Bon, Huổi Moi, Si Văn (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) và bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ). Bởi vậy, việc xây dựng triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cống” là một động lực lớn, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh.

Đổi thay trên những bản người Cống Đồng bào Cống ở Púng Bon chuẩn bị hoa mào gà để đón tết cổ truyền của dân tộc.

Đến bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nơi đây. Nằm nép mình dưới ngọn núi sừng sững, nơi có con suối Nậm Núa quanh năm cuộn chảy mang theo nguồn thủy sinh, cá tôm dồi dào. Đây cũng là nơi định cư lâu năm của 50 hộ đồng bào người dân tộc Cống, với trên 220 nhân khẩu. Từ nguồn vốn đầu tư của Đề án, cây cầu mới làm bằng bê tông, sắt thép rất chắc chắn đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, giúp bà con đi lại, giao thương thuận tiện. Hai bên trục đường chính dẫn vào trung tâm bản là những ngôi nhà sàn gỗ nằm cạnh nhau, có tường, rào bao quanh. Nhiều xe máy có giá trị dựng trước hiên nhà các hộ dân...

Anh Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cho biết: Trước kia, để đi từ trung tâm xã đến bản Huổi Moi và bản Púng Bon phải mất 3-4 tiếng đồng hồ, đi bằng đường mòn xuyên rừng; bà con sinh sống rải rác ở các mỏm đồi, nên việc vận động, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Từ khi Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cống” được triển khai, đồng bào Cống tại xã Pa Thơm được hỗ trợ tư liệu sản xuất, chăn nuôi (cuốc, xẻng, cây giống, ngan, vịt), trường lớp được xây mới khang trang. Đến nay, 100% trẻ em trong bản đã được đến trường và hỗ trợ tiền ăn hàng tháng. Đường đi đến các bản người Cống giờ đi được bằng xe máy, không phải đi bộ như trước nữa.

Còn với đồng bào dân tộc Cống ở bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, sau quá trình du canh du cư nhiều lần, cuối cùng họ cũng chọn cho mình vùng đất để định cư lâu dài. Với đồng bào dân tộc Cống nơi đây, cuộc sống sau khi định cư đã thực sự thay đổi.

Bản Nậm Kè hiện là nơi sinh sống của gần 60 hộ đồng bào Cống với trên 300 nhân khẩu. 100% hộ gia đình ở đây có nhà ở vững chãi. Điện cũng được kéo về bản, thắp sáng nhà, lớp học và xây mới thêm trường lớp cho trẻ em đến trường. Cuộc sống của bà con thực sự đã khác xưa, cần cù, chăm chỉ hơn và gắn bó với ruộng nương, phát triển chăn nuôi, trồng rau xanh tăng gia. Số hộ nghèo của bản hiện đã giảm xuống chỉ còn hơn chục hộ.

Sau 5 năm triển khai Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, từ năm 2013–2017, với tổng kinh phí thực hiện lên đến 58 tỷ 456 triệu đồng, tập trung đầu tư chủ yếu vào các hạng mục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện sống cần thiết, an ninh chính trị và phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa; đời sống văn hóa tinh thần và diện mạo những bản người Cống như khoác lên mình tấm áo mới.

Đánh giá kết quả giám sát thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, ông Hà Quốc Thịnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: Sau 5 năm thực hiện đầu tư, hỗ trợ các hạng mục của Đề án đều phát huy được hiệu quả, đúng mục đích và ý nghĩa.

Cuộc sống đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên cơ bản được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8%, (năm 2015) đến nay còn 56,2%. Đặc biệt, ý thức sản xuất, lao động của người dân cũng dần chuyển biến tích cực. Có thể nói, Đề án đã tạo sự đổi thay toàn diện về đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

NAM HƯƠNG