Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đội ngũ trí thức hiến kế cho sự phát triển bền vững ĐBSCL

N.Tâm - H.Diễm - 20:05, 25/03/2022

Ngày 25/3, TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bình thường mới - Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ trí thức. Hội thảo có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và lực lượng trí thức có nhiều cống hiến cho sự phát triển của vùng.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm phát hiện và kiến nghị những giải pháp hay, khả thi, hiệu quả, để hiến kế cho Trung ương, Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực phát triển nhanh bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện phát triển bình thường mới thích nghi Covid-19, đồng thời qua đây kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp cho sự phát triển của vùng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 27 bài tham luận, là những vấn đề liên quan đến sự phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nông nghiệp bền vững…

Trong bối cảnh cả nước dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, cần nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và mọi mặt đời sống. ĐBSCL với đội ngũ trí thức đông đảo, khoảng 19.000 người, có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ dược sĩ, nghiên cứu khoa học… là đội ngũ có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, được kỳ vọng sẽ có các giải pháp hữu hiệu trong sự phát triển bền vững ĐBSCL.

Trong những năm qua, ĐBSCL dù đang trên đà phát triển, nhưng đã gặp không ít những khó khăn thách thức về các vấn đề môi trường, BĐKH, nạn di cư, hạn mặn, sạt lở.... Để giải quyết vấn đề, cần những kế hoạch dài hạn và nguồn nhân lực có trình độ đảm đương nhiệm vụ. Nhiều năm qua, lãnh đạo các tỉnh trong vùng đã luôn tạo điều kiện để đội ngũ trí thức có điều kiện thể hiện năng lực, trình độ chuyên môn, thông qua các cuộc trao đổi học tập, nhiều sáng kiến hay đã được áp dụng vào thực tiễn phù hợp với từng địa phương mang lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo các địa phương trong khu vực quan tâm, đến dự Hội thảo
Lãnh đạo các địa phương trong khu vực quan tâm, đến dự Hội thảo

Theo ông Phan Trương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, trong thời gian qua, các tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQ và chính quyền các cấp đã coi trọng vị trí, vai trò của trí thức; đã tạo nhiều thuận lợi để đội ngũ trí thức và các hội của trí thức hoạt động, phát triển. Đội ngũ trí thức của tỉnh với hơn 35.000 người đã hoạt động, công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống chính trị, xã hội; trong các thành phần kinh tế; đã đem hết tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho sự phát triển của ngành mình, địa phương mình; đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh qua nhiều giai đoạn.

TS. Lý Hùng - Thượng Tọa, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ cho biết, 75% sinh kế người dân ĐBSCL tập trung vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên khí hậu, đất, nước. Do vậy, khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ 1 trong 3 tài nguyên này đều dẫn đến những tác động rất lớn lên hệ sinh thái và sinh kế của người dân. Theo số liệu cho thấy có khoảng 58% đồng bào Khmer có hoạt động sinh kế nông nghiệp, vì vậy khi môi trường khí hậu biến đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đồng bào.

Để chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ đã tích cực trong công tác vận động tín đồ Phật tử tham gia các hoạt động trong cây xanh bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Khmer góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó BĐKH.

Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer, là điểm sinh hoạt giao lưu các loại hình văn hóa nghệ thuật, rèn đức luyện tài, tác phong nhân cách nâng cao dân trí cho đội ngũ sư sãi và Ban Quản trị chùa. Do đó những năm qua nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên chùa để tạo lá phổi xanh, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; vận động tín đồ xây bồn tích trữ nước, hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, túi nilon; thay vào đó là sử dụng các vật dụng truyền thống như lá chuối, lá sen...

Từ cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, tạo ra cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, là người Khmer vùng ĐBSCL vừa chịu ảnh hưởng của BĐKH vừa ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển hóa theo trạng thái bình thường mới, lực lượng đội ngũ trí thức người dân tộc Khmer đã và đang hòa mình vào công cuộc phục hồi, phát triển đất nước.