Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

PV - 14:54, 23/12/2021

Sáng 23/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ Tư của Ban chỉ đạo Xây dựng các chuyên đề phân công cho Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

Cụ thể, Ban chỉ đạo đã cho ý kiến vào Chuyên đề số 11 “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, do Tiểu ban số 2 của Đảng đoàn Quốc hội xây dựng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo phân công của Ban chỉ đạo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội trực tiếp tổ chức chỉ đạo, xây dựng 4 chuyên đề; chỉ đạo, hướng dẫn Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện 1 chuyên đề. Đến nay, Ban chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thành được 3/5 chuyên đề.

Sau khi nghe báo cáo của Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Cơ quan thường trực giúp Tiểu ban số 2 xây dựng Chuyên đề số 11, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới tính chuyên trách, chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội (ĐBQH); tính toán kỹ về cơ cấu ĐBQH hoạt động chuyên trách và tiêu chuẩn ĐBQH.

Về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đây là đề án, không phải là văn bản quy định về tổ chức hoạt động nên không nhất thiết phải nêu rõ số lượng các cơ quan, mà chỉ nêu những vấn đề lớn, mang tính định hướng. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, Quốc hội nhiều nước có Ủy ban Kiểm toán chỉ thực hiện 1 chức năng, nhưng không thể gộp cùng với Ủy ban Tài chính, Ngân sách vì hai cơ quan này cần độc lập với nhau. Trong khi đó, Tiểu ban Kiểm toán ở Quốc hội Việt Nam lại thuộc Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Về quy định ĐBQH chuyên trách và ĐBQH là Ủy viên thường trực cũng cần nghiên cứu, giải thích căn cứ vào đâu để có sự phân công như thế này.

Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo đề án đã có đề nghị đúng hướng là chuyển dần một số chức năng hoạt động của Quốc hội về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội viện dẫn mô hình hoạt động của Quốc hội một số nước cho thấy, Quốc hội chỉ xem xét, thông qua Hiến pháp, các đạo luật cơ bản; phần lớn các luật và việc quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề án cũng cần đặt vấn đề về việc xem xét mở rộng thành phần Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Về vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần nghiên cứu thêm về tính dân chủ xã hội chủ nghĩa trong hoạt động của ĐBQH, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội; cần có sự cải tiến, đổi mới hơn nữa về việc tương tác giữa ĐBQH với cử tri, nhân dân.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nghiên cứu về thiết chế Tổng thư ký; tăng hoạt động chất vấn, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; cải tiến việc lấy phiếu tín nhiệm để nâng cao hiệu quả, tác dụng; về mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân; vấn đề bồi dưỡng đại biểu dân cử để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của ĐBQH cần được quan tâm hơn vì ĐBQH là trung tâm của Quốc hội, quyết định tới tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; về cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo góp ý thêm về tính kết nối, mạch thông tin và logic của đề án, về việc sử dụng các thuật ngữ, từ ngữ trong đề án; thời gian hoạt động của ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách; cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; bất cập trong mô hình tổ chức hiện nay của Quốc hội nên cần tăng số lượng ủy ban của Quốc hội từ các nguồn tách các ủy ban hiện có, nâng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành các ủy ban, thành lập mới các ủy ban theo yêu cầu của tình hình mới; kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị; văn hóa nghị trường; số lượng kỳ họp Quốc hội, khái niệm kỳ họp Quốc hội và thay đổi nội hàm khái niệm kỳ họp Quốc hội; thiết chế Tổng thư ký Quốc hội; quyền giám sát của Đoàn ĐBQH; mô hình tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp…

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các thành viên Ban Chỉ đạo đều đánh giá cao sự cố gắng, công phu của Tiểu ban số 2 trong việc xây dựng, hoàn thiện chuyên đề và tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu cần làm kỹ, làm rõ hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội; mối quan hệ của Quốc hội trong hệ thống chính trị; hoạt động của Quốc hội; chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn ĐBQH, ĐBQH; làm rõ phương thức hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế, tăng dần số ĐBQH hoạt động chuyên trách cho phù hợp, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc nghiên cứu, giải quyết chuyên đề này phải đặt trong mối tương quan với các chuyên đề khác và các đề án lớn trình Bộ Chính trị lần này để tránh trùng lắp về nội dung; về tính phổ quát của mô hình nhà nước pháp quyền và tính đặc thù của mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chuyên đề cần tập trung làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu để rút ra những vấn đề, quan điểm, định hướng lớn, nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.