Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phiên họp thứ 6, đợt 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

PV - 09:00, 21/12/2021

Sáng nay (21/12), Phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành các nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (được điều chỉnh ngày 17/12/2021), đợt 2 của Phiên họp diễn ra trong 2 ngày (21-22/12), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung như: Xem xét việc sửa đổi Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội; Tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2021; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Trước đó, tại đợt 1 (08-10/12), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong đợt 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường - kỳ họp xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách của nền kinh tế. Trong đó dự kiến có 04 nội dung về: Cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư giai đoạn 2 công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã hoàn thành tất cả nội dung chương trình đề ra, đồng thời ghi nhận công tác chuẩn bị đối với kỳ họp bất thường của Quốc hội. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị để thống nhất các quan điểm, nội dung, phương án trình… sau đó mới trình Quốc hội xem xét, quyết định nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.

Về nội dung chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng và đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách. Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phải có chính sách về y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động; các lĩnh vực an sinh xã hội, thị trường lao động; về đầu tư kết cấu hạ tầng. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm các nội dung trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp

Về nội dung tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương về tổ chức kỳ họp bất thường với tên gọi là "Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV”. Nội dung của kỳ họp bất thường sẽ tối đa là trong 04 nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, các nội dung khác cần phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo thẩm tra trên cơ sở nâng cao tối đa về chất lượng. Nếu đảm bảo điều kiện thì sau khi kết thúc Phiên họp thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị về chủ trương về tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022. Đồng thời đề nghị cơ quan hữu quan xây dựng chương trình kỳ họp bố trí đủ thời gian để đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, không khống chế thời gian của kỳ họp, trong đó sẽ dành thời gian thảo luận tổ ít nhất 2 ngày, thảo luận trực tuyến toàn thể trong 2 ngày và 1 buổi cho biểu quyết thông qua các nội dung và tiến hành bế mạc.

Ngay đầu giờ sáng của đợt 2 Phiên họp họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 542/2012/UBTVQH13 UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội./.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).