Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Độc đáo vũ điệu Tắc xình của người Sán Chay

Lam Anh (t/h) - 15:40, 04/03/2022

Điệu múa Tắc xình luôn có sức hấp dẫn không chỉ với đồng bào dân tộc Sán Chay, tỉnh Thái Nguyên, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng cao phía Bắc.

Bức tranh văn hóa dân tộc Sán Chay hiện diện sinh động qua những vũ điệu mang triết lý, tín ngưỡng, ẩn chứa màu sắc tâm linh.
Bức tranh văn hóa dân tộc Sán Chay hiện diện sinh động qua những vũ điệu mang triết lý, tín ngưỡng, ẩn chứa màu sắc tâm linh.

Theo quan niệm tín ngưỡng của người Sán Chaymúa Tắc xình (múa Cầu mùa) mang ước nguyện của con người, về một năm tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đồng thời thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Múa Tắc xình hội tụ các yếu tố của trình diễn dân gian, trải qua thời gian dài tồn tại, phát triển đã được cộng đồng người Sán Chay thừa nhận và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, góp phần vào sự đa dạng văn hóa trong vườn hoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Các nhạc cụ dân dã như trống, kèn và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo ra những âm thanh lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy
Các nhạc cụ dân dã như trống, kèn và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo ra những âm thanh lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy

Múa Tắc xình là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, được người dân tộc Sán Chay được lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho nhiều thế hệ. Gồm có 9 điệu cơ bản: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim gâu. Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, vũ điệu Tắc xình cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Là một điệu múa tập thể, nhưng Tắc xình có nét độc đáo riêng. Từ những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xúc tép, bắt cá, tra hạt, đuổi thú, phát nương... và những công cụ lao động sản xuất mà người Sán Chay đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Những điệu múa, lời ca gợi đưa người xem về một không gian làm rẫy, giữ làng, giữ nước của người Sán Chay.
Những điệu múa, lời ca gợi đưa người xem về một không gian làm rẫy, giữ làng, giữ nước của người Sán Chay.

Điệu múa Tắc xình có tiết tấu riêng, tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hòa quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hòa tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất, tạo ra tâm lý phù hộ để mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

Múa Tắc xình là điệu múa nghi lễ, vừa tái hiện các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay, vừa thể hiện đời sống tâm linh của người dân làm nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tự nhiên. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Múa Tắc xình không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự hào về bản sắc riêng của cộng đồng Sán Chay, mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của Thái Nguyên.

Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận múa Tắc xình là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và là điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.