Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Độc đáo “giếng đoàn kết” ở Ia Tơi

PV - 12:03, 18/03/2021

Trong khi không ít người dân huyện biên giới Ia H’Drai đang phập phồng nỗi lo thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, thì một nhóm hộ ở thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, Tỉnh Kon Tum đã ung dung gạt bỏ nỗi lo này nhờ “giếng đoàn kết”.

Độc đáo “giếng đoàn kết” ở Ia Tơi

Thực ra “giếng đoàn kết” là cái tên tôi tự đặt khi nghe kể về quá trình hình thành chiếc giếng này. Vừa dẫn tôi băng qua vườn cao su mới thay lá, anh Lương Trọng Kim - Bí thư Chi đoàn thôn 8, xã Ia Tơi vừa kể, hầu như mùa khô năm nào vùng này cũng thiếu nước, chỉ riêng vị trí sau nhà anh, nước hầu như không cạn, nên tháng 2/2020, bố anh - ông Lương Ngọc Lưu nảy ra ý tưởng đào giếng liền kề nhau rồi bàn bạc với hàng xóm. Kết quả, có 7 hộ cùng tham gia, góp sức, góp của cùng đào 6 cái giếng trên mảnh đất nhà ông Lưu. Thế là “giếng đoàn kết” ra đời.

Theo hướng tay anh Kim chỉ, tại vùng đất thấp bên dưới chân đồi có 6 cái giếng nằm sát nhau, nhìn từ trên cao giống như một bông hoa 5 cánh, ở giữa là giếng “cái” được xây cao hơn những giếng còn lại. Sở dĩ phải đào nhiều giếng riêng lẻ thay vì đào 1 giếng to, sâu vì ở đây đất cát rất dễ sạt lở.

Chỉ sang hồ nước nhỏ ngay bên cạnh, anh Kim bảo trước khi có giếng, các hộ đều sử dụng nước ở hồ này, hồ tuy ít cạn nhưng nước vừa đục, nhiễm phèn nặng. “Giếng đoàn kết” đã cung cấp đủ nước sạch cho các gia đình trong suốt mùa hạn năm vừa rồi.

Nhìn thì thấy đơn giản, khi nghe kể về chuyện làm giếng mới thấy quá trình ấy công phu đến mức nào. Theo anh Hà Văn Chính - 1 trong 7 hộ dân tham gia, để tìm được địa điểm thích hợp, nhóm đã đến từng nhà khảo sát, sau đó quyết định lựa chọn khu đất ven hồ nằm dưới chân đồi sau nhà anh Kim. Mỗi gia đình cử ra một người trực tiếp tham gia đào giếng.

“Làm quần quật làm từ 7h sáng đến 8h tối, có hôm mấy anh em vào ăn cơm rồi ra làm tiếp tới 11h đêm. Đặc biệt, hôm cuối cùng thả bi giếng thì phải làm tới 3h sáng. Ròng rã 12 ngày đêm thì 6 cái giếng cũng được hoàn thành. Mỗi giếng sâu 6m, đường kính 1,2m. Mọi người không dám đào sâu thêm vì ở đây là đất cát, rất dễ sạt lở” - anh Chính cho biết thêm.

Một trong những công đoạn vất vả nhất là vận chuyển các bi giếng xuống để lắp ráp. Từ đường cái vào tới vị trí đào giếng gần 200m nhưng có một đoạn đường dốc đá gập ghềnh, lăn thì sợ bể bi giếng, mấy anh em, chú cháu đành hò nhau khiêng vào. Giếng hoàn thiện, cái cảm giác lúc thấy dòng nước trong vắt chảy từ giếng lên bể chứa quả thực rất hạnh phúc” - anh Chính nhớ lại.

Cũng theo anh Chính, thực ra những năm trước, các hộ này đã từng đào giếng lấy nước dùng vì không thể sử dụng nước hồ, nhưng vì không có bi giếng nên nước cũng bị nhiễm phèn, rồi họ quyết định đầu tư lắp bi. Nhẩm tính, để hoàn thành công trình này, 7 hộ đã tốn khoảng 100 công và chưa tới 7 triệu đồng, đổi lại, họ thoải mái dùng nước, vào mùa khô, mực nước dưới giếng có tụt xuống nhưng không đáng kể.

“Anh muốn gọi là giếng đoàn kết hay giếng cộng đồng cũng được. Bà con ở đây chẳng có gì để cho nhau, có chút nước giúp nhau sinh hoạt dễ dàng hơn thôi. Có lần cán bộ huyện, xã xuống đây xem xét tình hình giếng nước, chúng tôi cũng mong nếu được thì nhân rộng mô hình này ở nhiều khu dân cư, để người dân trong huyện đỡ bớt đi nỗi lo thiếu nước mỗi khi mùa khô tới” - anh Chính chân tình chia sẻ.

Khi được hỏi về mô hình này, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi Nguyễn Phú An cho biết: “Mô hình giếng chùm của 7 hộ dân ở thôn 8 cho thấy hiệu quả rõ rệt. Giếng chùm không chỉ giúp bà con có nước sạch trong mùa khô mà còn góp phần hạn chế sạt lở đất khi mùa mưa lũ. Trong thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình giếng chùm tại các khu dân cư trên địa bàn thường xuyên bị hạn hán và có địa hình phù hợp”.