Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cây dược liệu với sự phát triển vùng DTTS Kon Tum

Nguyên Hà - Lê Hường - 22:00, 28/01/2021

Tỉnh Kon Tum hiện có 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, trong đó có các loại cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, đinh lăng, nhân sâm, lan kim tuyến… Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã xác định, phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông phát triển dược liệu
Đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông phát triển dược liệu

Cây thoát nghèo của đồng bào DTTS

Xã Măng Ri là địa phương có diện tích trồng sâm lớn nhất huyện Tu Mơ Rông, nhờ cây sâm mà diện mạo nông thôn nơi đây đổi khác từng ngày, đồng bào DTTS nơi đây từng bước thoát nghèo, kinh tế phát triển.

Gia đình chị Hlạng thuộc diện nghèo lâu năm ở làng Pu Tá. Nhưng nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị trường, học hỏi mô hình phát triển kinh tế, chị sớm chuyển đổi cây trồng từ các loại cây nông nghiệp sang trồng sâm, và trở thành người Xơ Đăng tiên phong trồng sâm ở lòng chảo Măng Ri sương mù này.

Chị Hlạng kể lại: Năm 2009, tôi chuyển dổi 1ha đất trồng cây nông nghiệp sang trồng sâm dây. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng cây sâm phát triển tốt, tôi không chỉ thu hồi vốn mà còn nhanh chóng có lãi. Từ năm 2012, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu trên 100 triệu đồng từ sâm dây. Thấy tôi trồng sâm hiệu quả, bà con trong làng học hỏi làm theo. Ai không biết cách thì tôi hướng dẫn, biết gì chỉ đó. Đến nay, cả làng nhà nhà trồng sâm dây, tôi làm đầu mối đứng ra thu mua sâm đưa về miền xuôi giúp bà con. Nhờ thu nhập từ việc trồng sâm và thu mua gia đình tôi đã thoát nghèo và hiện là một trong những hộ có thu nhập khá trong làng.

Không chỉ trồng sâm trên đất nông nghiệp, nhiều hộ đồng bào dân tộc Xơ Đăng ít đất sản xuất, còn nhận chăm sóc sâm cho doanh nghiệp và thuê đất rừng để tự trồng sâm. Nhiều hộ gia đình nhờ vậy thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: Ngoài những loài cây dược liệu sẵn có trong rừng, toàn huyện đã trồng được trên 644ha cây dược liệu; trong đó 500ha cây Sâm Ngọc Linh và 144ha cây đảng sâm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp và hộ cá nhân trên địa bàn huyện trồng cây dược liệu như cây Sâm Ngọc Linh, cây đảng sâm có thu nhập cao hơn trồng các loại cây khác. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum không những bảo tồn gen giống Sâm Ngọc Linh, mà còn chế biến được các sản phẩm như: Rượu sâm, trà sâm, sâm ngâm mật ong, dịch chiết sâm… qua đó làm phong phú thêm các mặt hàng từ Sâm Ngọc Linh…

Người dân nhận chăm sóc dược liệu cho doanh nghiệp trồng sâm
Người dân nhận chăm sóc dược liệu cho doanh nghiệp trồng sâm

Phát triển dược liệu thành cây trồng mũi nhọn

Huyện Kon Prông, là một trong những địa phương có diện tích cây dược liệu lớn của tỉnh Kon Tum. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới được hơn 70 ha cây dược liệu các loại, phổ biến như: Đảng sâm, đương quy, nghệ đỏ, đinh lăng, ba kích tím, hà thủ ô, sa nhân... đang phát triển tốt.

Cùng với việc phát triển diện tích các loại cây dược liệu, huyện Kon Plông còn chú trọng khai thác, bảo tồn các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên như: Chè dây, giảo cổ lam, cốt toái bổ, tiêu rừng, sơn tra, chuối rừng, ngũ vị tử, các loại nấm… Hiện nay, huyện đã thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: chuối rừng, sim rừng, sơn tra và đang triển khai khoanh vùng bảo tồn các loại cây như: Chè dây, cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến…

Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo Nhân dân trên địa bàn chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; nâng cao diện tích trồng cây dược liệu theo cơ cấu từng tiểu vùng. Đồng thời kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng thử nghiệm một số cây dược liệu để xem xét tính khả thi.

Được biết, hiện nay, huyện Kon Plông đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất một số loại dược liệu. Sau khi hoàn thiện, huyện sẽ chuyển giao cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu chế biến và đưa sản phẩm cung ứng rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Một số doanh nghiệp cũng đã chế biến một số sản phẩm và đã có sản phẩm bán ra thị trường.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh đang đẩy mạnh công tác phát triển cây dược liệu trên địa bàn các huyện như Kon Prông, ĐăkGlei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Đăk Tô… thành cây trồng mũi nhọn.

Không chỉ kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các huyện còn vận động Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tham gia trồng cây dược liệu. Trong đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, cho vay ưu đãi, hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cơ chế quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu… để yên tâm phát triển cây dược liệu.


Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...