Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện về làng Dao

Tiêu Dao – Nguyễn Bình - 16:56, 26/09/2021

Thôn 3 (còn gọi là làng Dao) là ngôi làng cuối cùng của huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) đã có điện lưới quốc gia. Người làng hôm nay không còn cảnh thắp đèn dầu mỗi đêm và ao ước khi nhìn sang làng bên lung linh ánh điện như nhiều năm về trước nữa.

Làng Dao đã có điện về
Làng Dao đã có điện về

10 năm ngóng điện

Làng Dao - thôn 3 có 75 hộ dân, với trên 220 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao chuyển cư từ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk sang từ năm 2010. Ông Trần Thanh Quảng (sinh năm 1972), một người dân ở làng Dao kể rằng, ông là một trong số ít những hộ dân đã sinh sống tại làng này từ năm 2010. Đã hơn 10 năm nay, gia đình ông và nhiều hộ khác trong làng phải sử dùng bình ắc quy để thắp sáng bóng điện mỗi đêm và phục vụ các sinh hoạt khác trong gia đình. Nhiều hộ gia đình người Dao khác khi chuyển cư từ Đắk Lắk sang không có bình ắc quy thì phải thắp đèn dầu để sinh hoạt mỗi khi trời tối. Đêm đêm, người dân nhìn sang phía xã Ia O, huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai bên cạnh, rồi hướng lên phía trung tâm xã, thấy ánh điện lung linh mà ao ước...

Ông Trần Thanh Quảng kể, người làng Dao khi chuyển cư sang đây đã thấy có trường học, có đường, trạm y tế, chỉ thiếu mỗi ánh sáng điện thôi. Không có điện, những năm đầu về làng mới, người Dao dùng bếp củi, đốt đèn dầu. Mỗi tối lũ trẻ cũng phải chong đèn dầu lên mà học bài. Người lớn chẳng có ti vi để xem tin tức. Cuộc sống trôi qua buồn tẻ...

Nhớ lại thời điểm “ngóng điện”, ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai đau đáu: “Làng Dao này mới thành lập được vài năm, người dân đa phần là hộ nghèo, mỗi tháng được Nhà nước trợ cấp gần 150.000đ/khẩu. Tiền đó chỉ đủ để mua dầu thắp, mua xăng chạy máy nổ một hai tiếng mỗi ngày. Cả làng chỉ có 2 cái máy phát điện, không đủ để thắp sáng cho tất cả các hộ dân. Chỉ vài chục nóc nhà có chiếc bóng 15W sử dụng được hai tiếng mỗi tối. Sau đó lại tắt đi và thắp đèn dầu…

Ánh sáng về làng 

Mặc dù trong năm 2021, tỉnh Kon Tum nói riêng, cả nước nói chung đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Công ty Điện lực Kon Tum và Tổng công ty Điện lực miền Trung vẫn triển khai thực hiện khảo sát, bố trí kinh phí và nhân lực, đưa điện về làng Dao-thôn 3. Theo đó, đơn vị đã đầu tư gần 16 km đường dây 22kV và một Trạm biến áp 100kVA - 22/0,4kV, nối với hệ thống đường điện từ huyện Sa Thầy về, với tổng kinh phí 16,7 tỷ đồng. Nhờ đó, tháng 6/2021, Trạm biến áp của làng Dao- thôn 3 đã chính thức đóng điện, mang ánh sáng về cho bà con.

Có điện về, nhiều người dân ở làng Dao đã đầu tư mua tủ lạnh, tủ đông để sử dụng
Có điện về, nhiều người dân ở làng Dao đã đầu tư mua tủ lạnh, tủ đông để sử dụng

Ông Nguyễn Phong Lưu, Giám đốc Điện lực TP. Kon Tum cho biết: “Làng Dao- thôn 3, xã Ia Dom là điểm làng cuối cùng của tỉnh Kon Tum được sử dụng điện lưới quốc gia. Khi triển khai Dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa của huyện, chính quyền địa phương và ngành Điện lực đã hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới”...

Ánh sáng điện lưới quốc gia về với làng Dao mang đến niềm vui khôn xiết cho người dân. Việc đầu tiên của ông Quảng và nhiều hộ dân khác trong làng là mua ngay tivi để cập nhật thông tin và học hỏi cách thức làm ăn qua các chương trình khuyến nông. Ông Quảng còn mua cả tủ lạnh, tủ đông để trữ đồ ăn, các loại hải sản bắt được trên sông Sê San hay từ suối Ia Krel để bán cho người dân trong vùng.

Trẻ em ở làng Dao háo hức đón xem các chương trình hoạt hình trên ti vi
Trẻ em ở làng Dao háo hức đón xem các chương trình hoạt hình trên ti vi

Ông Quảng phấn khởi khoe: “Từ ngày có điện, bà con chúng tôi được tiếp cận nhiều kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp như trồng rừng, trồng sắn, làm lúa nước, trồng và thu hoạch cà phê...trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất cũng được cải thiện rõ nét, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên”.

Có điện, nhiều hộ dân trong bản người Dao đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở dịch vụ xay xát lúa bằng máy điện, mở xưởng cơ khí vừa và nhỏ để phục vụ Nhân dân trong vùng, nâng cao thu nhập.

Trong niềm hồ hởi của mình và người làng, ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom bồi hồi chia sẻ, có điện lưới quốc gia không chỉ mang ánh sáng văn minh về cho bà con người Dao-thôn 3 mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.