Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng"

Thúy Hồng - 20:30, 03/11/2022

Chiều 3/11, tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), lãnh đạo Sở NN&PTNT, cùng 140 đại biểu là hộ nông dân sản xuất kinh doanh đến từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lào Cai.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết: Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn diễn ra trong điều kiện tự nhiên, nên thường chịu tác động trực tiếp và nặng nề của thiên tai. Trong những năm vừa qua, mặc dù các cấp ban ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nhằm thích ứng và giảm thiểu các rủi ro thiên tai, song thực tiễn cho thấy còn nhiều nguy cơ và thách thức được đặt ra trong thời gian tới.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là việc giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả tại các địa phương, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể.

"Diễn đàn sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn, chính quyền và người dân các địa phương tham khảo, ứng dụng và triển khai trong thực tiễn sản xuất", ông Thanh cho biết.

Các đại biểu kiến nghị tại Diễn đàn
Các đại biểu kiến nghị tại Diễn đàn

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai tại Diễn đàn, khu vực miền núi phía Bắc có địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, độ dốc lớn cùng với địa chất phức tạp, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, suy giảm chất lượng và số lượng rừng đầu nguồn cùng với tập quán sinh sống, canh tác… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán...

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên khu vực đã xảy ra 26 trận dông, lốc, sét, mưa đá; 111 trận mưa lớn lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 14 trận động đất. Tính đến ngày 30/10/2022, thiên tai đã làm 58 người chết, mất tích; 35 người bị thương; 68 nhà sập đổ, 3.880 nhà bị hư hại, tốc mái; 25.145 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.500 tỷ đồng.

Mô hình liên kết tiêu thụ sản xuất cá thương phẩm tại xã Cốc San, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai
Mô hình liên kết tiêu thụ sản xuất cá thương phẩm tại xã Cốc San, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Đối với tỉnh Lào Cai, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 16 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường. Trong đó mạnh mẽ nhất là đợt ngày 31/1 - 6/2 và đợt ngày 20 - 25/2, không khí lạnh tăng cường mạnh và liên tục gây nên đợt rét đậm, rét hại trên toàn tỉnh; khu vực vùng núi cao thuộc các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát xuất hiện sương muối và băng giá đã gây thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Lê Minh Nhật - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục thiên tai cho biết: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, sét, mưa đá vẫn đang gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đặt ra nhiều thách thức cho giai đoạn tới. Do đó, cần phải có những giải pháp đối phó để khắc phục và phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Mô hình trồng bưởi tại Đoan Hùng, Phú Thọ
Mô hình trồng bưởi tại Đoan Hùng, Phú Thọ

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi những giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần lắp đặt hệ thống cảnh báo do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; lập bản đồ cảnh báo thiên tai nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết…

Mô hình nuôi gà ri, gà lai mía ở Bảo Thắng, Lào Cai
Mô hình nuôi gà ri, gà lai mía ở Bảo Thắng, Lào Cai

Tại Diễn đàn, Ban Cố vấn đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề sinh kế ứng phó với các loại hình thiên tai, các chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ các gia đình, trang trại bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai. Các phương án chuyển đổi sản xuất, lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu…

Trước đó, từ chiều ngày 2/11 đến sáng 3/11, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã đi tham quan các mô hình trồng bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Đoan Hùng (Phú Thọ), mô hình liên kết tiêu thụ sản xuất cá thương phẩm ở xã Cốc San, Tp. Lào Cai (Lào Cai) và mô hình chăn nuôi gia cầm tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai).