Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện Biên: Tai nạn thương tích trẻ em chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Vũ Lợi - 11:48, 22/06/2021

Một cháu bé 3 tuổi bị nước lũ cuốn trôi, 2 anh em ruột tắm ao bị đuối nước, 2 học sinh đi tắm sông bị nước cuốn đi... là những vụ tai nạn thương tích (TNTT) mới xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những ngày đầu mùa Hè. Những câu chuyện buồn về TNTT như vậy xảy ra với trẻ em cùng những hậu quả xấu nhất vẫn tái diễn hằng năm ở địa phương này.

Ngày hè, thay vì được vui chơi an toàn, nhiều trẻ em vùng cao Điện Biên vất vả mưu sinh, nguy cơ tai nạn thương tích luôn rình rập.
Ngày hè, thay vì được vui chơi an toàn, nhiều trẻ em vùng cao Điện Biên vất vả mưu sinh, nguy cơ tai nạn thương tích luôn rình rập.

Gia tăng tai nạn thương tích vào kỳ nghỉ hè

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm, địa phương ghi nhận 2.000 trường hợp TNTT ở trẻ, 70 - 80 trường hợp trong số đó tử vong. Cá biệt, có năm số trẻ tử vong vì TNTT năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử, năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 2.811 trẻ em bị TNTT, trong đó có 69 trẻ tử vong; nhưng đến năm 2019, số trẻ bị TNTT lại tăng lên tới 3.219 trẻ và 77 trẻ tử vong. Nguyên nhân trẻ tử vong chủ yếu xác định là do ngã, ngạt tắc đường thở, tai nạn giao thông, động vật hoặc côn trùng cắn, đốt, ngộ độc, đuối nước…

Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ em ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa thiếu sự giám sát của người lớn. Không ít ông bố, bà mẹ lên nương làm việc dài ngày, để con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau. Trong khi đó, đa phần trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân trước các nguy cơ tai nạn; địa hình hiểm trở, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn.

Giữa tháng 3 vừa qua, vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã cướp đi tính mạng của 2 học sinh nữ mới chỉ 10, 11 tuổi. Được biết, 2 học sinh này rủ nhau ra sông tắm sau giờ tan học. Mặc dù đã được phát hiện và huy động nhiều người ứng cứu, nhưng trường hợp đau lòng nhất vẫn xảy ra.

Trước đó, năm 2019 cũng tại xã này xảy ra vụ việc đuối nước thương tâm khác đã khiến 3 đứa trẻ trong 1 gia đình tử vong. Đáng nói, cả 3 trường hợp đều còn rất nhỏ. Vụ việc xảy ra ngay tại chính ao nuôi cá của gia đình, tuy nhiên lại không được phát hiện kịp thời do người lớn bận việc nhà và chưa quan tâm giám sát trẻ. Cái chết không báo trước của những đứa trẻ khiến người ở lại không khỏi đau lòng xót xa.

Cần chung tay của toàn xã hội

Mùa Hè là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước tại các ao, hồ, sông, suối - đặc biệt đối với trẻ em vùng cao. (Ảnh: Văn Thành Chương)
Mùa Hè là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước tại các ao, hồ, sông, suối - đặc biệt đối với trẻ em vùng cao. (Ảnh: Văn Thành Chương)

Để phòng, chống TNTT trẻ em, hằng năm tỉnh Điện Biên đều ban hành các văn bản, phối hợp liên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn chặn TNTT; mỗi giai đoạn (5 năm) đều có chương trình hành động vì trẻ em. Song trọng tâm vẫn là các hoạt động truyền thông, tuyên truyền lồng ghép. Trong khi đó, những hoạt động mang tính thực tế hơn, như tập huấn kỹ năng, dạy bơi, sơ cấp cứu, xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT… lại rất khiêm tốn, do hạn chế về kinh phí. Đây đã và đang là những bất cập khiến công tác phòng chống TNTT cho trẻ vùng cao ở Điện Biên chưa hiệu quả.

Minh chứng cho điều này là kết quả ghi nhận trong cả giai đoạn 2016 - 2020, trong số 8 mục tiêu cụ thể liên quan đến chương trình phòng chống TNTT trẻ em có 5 mục tiêu đạt thì đều liên quan đến công tác tuyên truyền và các hoạt động triển khai. Còn lại 3 mục tiêu thể hiện kết quả thì lại không đạt, liên quan đến tỉ suất trẻ em bị TNTT, tỉ suất trẻ em bị tử vong do TNTT, xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Trước thực trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNTT trong mùa Hè, đặc biệt là tai nạn đuối nước, việc trang bị kỹ năng sống và dạy trẻ học bơi là cần thiết để các em có thể tự bảo vệ tính mạng khi gặp những tình huống nguy hiểm. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước” trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến thời điểm hiện tại, tất cả các hoạt động tập trung đông người vẫn đang phải tạm dừng, còn việc khi nào tổ chức lại các hoạt động phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Cần chung tay đẩy lùi tai nạn thương tích trẻ em 2
Trẻ em tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng tham gia vớt củi trong những ngày mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước

Đối với các hoạt động phong trào thanh-thiếu nhi và các sân chơi bổ ích trong mùa Hè, ông Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết: “Hiện tại, việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn là nhiệm vụ số 1, do vậy Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp Đoàn cơ sở dừng mọi kế hoạch tổ chức các hoạt động dành cho thanh- thiếu niên.”

Như vậy, để trẻ em có một mùa Hè vui chơi bổ ích và an toàn thì cần phải có sự chung tay hành động cả gia đình nhà trường và xã hội, nhất là sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, trong đó Ðoàn Thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động, sinh hoạt hè bổ ích. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần có sự quan tâm đúng mức; định hướng và tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia vào các hoạt động ý nghĩa, bổ ích và an toàn trong mùa Hè.