Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điện Biên Đông xóa “bản trắng” về điện lưới quốc gia

Mắn On - 16:54, 20/07/2023

Bằng nhiều giải pháp, đến nay, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã có 172/198 bản, với trên 12.000 hộ dân tại 14/14 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia ổn định. Như vậy, vẫn còn 26 bản chưa được kéo điện lưới quốc gia, bởi thực tế các bản chưa có điện thường nằm xa trung tâm, địa hình phức tạp, các hộ dân ở phân tán. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình xóa bản trắng điện lưới quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phấn đấu hết năm 2024, toàn huyện có 185 bản, trên 13.000 hộ được sử dụng điện, đạt tỷ lệ gần 97%.

Lễ đón điện lưới quốc gia vể bản Ho Cớ, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Lễ đón điện lưới quốc gia vể bản Ho Cớ, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Từ khi thành lập bản đến nay, đêm đến bản Tào La, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) vẫn quanh năm le lói trong ánh đèn dầu do thiếu ánh sáng điện lưới quốc gia. Những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong phát triển kinh tế bà con không thể tiếp cận, đời sống tinh thần cũng vì thế bị hạn chế, khiến nghèo đói đeo bám quanh năm. Tào La nằm cách trung tâm xã Tìa Dình hơn 10 km. Bản có gần 90 hộ, thì có tới 50 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Để có điện chiếu sáng, người dân trong bản phải bỏ tiền mua, lắp đặt tấm năng lượng mặt trời. Vậy nhưng nguồn điện này cũng phập phù, ngày nắng nhiều chỉ chiếu sáng được vài tiếng, ngày mưa gió thì người dân quay lại với bếp lửa, đèn dầu. Một thay đổi lớn sắp đến với người dân Tào La. Đó chính là Dự án cấp điện lưới quốc gia đã và đang được gấp rút thi công. Dự kiến chỉ vài tháng nữa, ánh sáng điện lưới quốc gia sẽ về với bản Tào La.

 Ông Giàng Chứ Dình - Trưởng bản Tào La chia sẻ: Làm máy điện nước chỉ sử dụng được vào mùa mưa, mùa khô cạn hết nước không làm được, bà con toàn thắp dầu, rất khó khăn. Bây giờ Nhà nước quan tâm, đầu tư cho dân bản, phải hiến đất, hiến nương chôn cột điện chúng tôi cũng sẵn sàng hiến, có điện rồi bà con sẽ bớt khó khăn.

Người dân bản Tào La, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên lắp đặt tấm năng lượng mặt trời
Một số hộ ở bản Tào La, xã Tìa Dình cũng đã lắp đặt tấm năng lượng mặt trời nhưng chỉ chiếu sáng được vài tiếng

Cũng chung niềm vui đón điện lưới quốc gia, dịp này cùng với bản Tào La, còn có hai bản Na Su và Háng Sua cũng đang gấp rút hoàn thiện dự án điện. Theo đó, trong một thời gian ngắn, từ chỗ còn 6/10 bản chưa có điện lưới quốc gia, tới đây Tìa Dình sẽ chỉ còn lại một bản chưa được đầu tư hạ tầng điện. 

Với một xã nằm cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn chiếm trên 60% việc bao phủ điện lưới cho Tìa Dình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này được cấp ủy, chính quyền xã coi là một bước phát triển đột phá. Bởi được đầu tư hạ tầng điện, không những giúp xã hoàn thành tiêu chí số 4, tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. 

Ông Giàng A Thái -0 Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông cho biết: Triển khai xây dựng NTM. xã Tìa Dình xác định điện rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành tiêu chí về điện. Năm 2022, xã được được đầu tư, cấp điện cho 2 bản, năm nay tiếp tục thêm 3 bản. Tới đây chỉ còn một bản Púng Báng, với 30 hộ, dự kiến năm 2024, khi có nguồn kinh phí, chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư.

Khi điện lưới quốc gia về bản, sự đổi thay có thể thấy gần như ngay lập tức. Chỉ cách đây mấy tháng trước, gia đình chị Tòng Thị Lan, ở bản Pá Chuông, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông vẫn sống trong cảnh tăm tối do không có điện lưới. Khi đêm về, ánh sáng từ cái đèn pin, đèn dầu là thứ ánh sáng thiết thực nhất với gia đình. Vậy nhưng, từ khi đóng điện trạm biến áp Pá Chuông, gia đình chị gần như đã có đầy đủ các thiết bị điện hiện đại phục vụ đời sống hàng ngày.

Chị Lan phấn khởi chia sẻ: Có điện về bản,ngoài thắp sáng ra còn phục vụ được rất nhiều nhu cầu của gia đình, sử dụng được tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, nhất là có máy xát gạo, không phải xuống bản khác xát nhờ như trước, điều mà người dân mong mỏi suốt bao năm qua.

Bản Pá Chuông, xã Na Son, huyện Điện Biên có 50 hộ, gần 200 nhân khẩu. Nhiều năm nay, trong bản cũng có một số hộ có điều kiện, bỏ tiền mua máy phát điện nước hoặc một số hộ góp tiền kéo đường dây điện từ bản khác về sử dụng. Tuy nhiên, các nguồn điện này đòi hỏi đầu tư lớn, kinh phí duy trì tốn kém, điện thì chập chờn không đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, chưa nói đến phục vụ sản xuất. Bởi vậy, khi có điện lưới ổn định, trong bản các thiết bị điện hiện đại như: Ti vi, tủ lạnh đến máy móc phục vụ sản xuất như máy xát, máy thái chạy điện, máy bơm xuất hiện ngày càng nhiều.Với bà con nơi đây, được sử dụng điện lưới quốc gia là nhu cầu thiết yếu hàng đầu.

Ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Điện lực Điện Biên Đông cho biết: Điện lực huyện Điện Biên Đông là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn huyện. Pá Chuông chỉ là 1 trong 9 bản được cấp điện từ đầu năm 2023 tới nay. Việc nhiều bản được đóng điện, số khách hàng tăng lên nhưng đơn vị luôn đảm bảo quân số thực hiện công tác quản lý, vận hành.

Trong đó, công tác kiểm tra các trạm biến áp, bảo dưỡng lưới điện, phát quang hành lang tuyến được thực hiện thường xuyên nhằm ngăn ngừa các sự cố có thể xảy ra. Đặc biệt, tại các bản mới đóng điện, công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm được đơn vị quan tâm, đẩy mạnh.

Công nhân Điện lực huyện Điện Biên Đông kiểm tra định kỳ trạm biến áp Huổi Hua A2, xã Keo Lôm
Công nhân Điện lực huyện Điện Biên Đông kiểm tra định kỳ trạm biến áp Huổi Hua A2, xã Keo Lôm

Bằng nhiều giải pháp, đến nay, huyện Điện Biên Đông đã có trên 170 bản, với trên 12.000 hộ dân tại 14/14 xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia ổn định. Đối với những bản chưa có điện, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng điện của huyện Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong thực tế, suất đầu tư đối với một dự án cấp điện tại các thôn bản vùng cao thường rất lớn. Bởi các bản chưa có điện thường nằm xa trung tâm, địa hình phức tạp, các hộ dân ở phân tán. 

Tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình xóa "bản trắng" về điện lưới quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các dự án kéo điện về các bản vùng cao. Đến hết năm 2024, phấn đấu toàn huyện có 185/198 bản có điện lượt quốc gia, đạt tỷ lệ trên 93%; Số hộ được sử dụng điện là trên 13.000 hộ, đạt tỷ lệ gần 97%.

Theo ông Đinh Quang Bạo - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông:  Với mục tiêu thực hiện Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về xóa "bản trắng" về điện với mục tiêu hết 2025, 100% bản sẽ có điện. Hiện nay, toàn huyện có 172/198 bản có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ trên 86%. Như vậy, vẫn còn 26 bản chưa được kéo điện lưới quốc gia. 

Để giải quyết vấn đề này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu cho UBND huyện bố trí các nguồn vốn, ưu tiên nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi năm thực hiện để 3 - 5 bản có điện làm sao đến 2025 sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Cán bộ điện lực đến từng hộ dân bản Tào La, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm
Cán bộ điện lực đến từng hộ dân bản Tào La hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

Việc kéo điện về bản vùng cao, nếu chỉ là bài toán về hiệu quả kinh doanh điện đơn thuần, thì những người dân ở các bản như Tào La, Pá Chuông và còn rất nhiều bản đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn cả nước, sẽ còn rất lâu nữa mới được sử dụng điện thắp sáng. Nhưng nhìn từ thực tế, điện về với đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa mang lại nhiều lợi ích hơn thế. Đó không chỉ là vấn đề nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, mà quan trọng hơn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh.

Với ý nghĩa  quan trọng này, cùng với quyết tâm, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, trong thời gian không xa, 100% bản làng ở huyện Điện Biên Đông sẽ được bao phủ bằng ánh sáng của điện lưới quốc gia...