Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điểm danh những học sinh miền núi xứ Thanh đạt điểm "khủng" trong các kỳ thi

Quỳnh Trâm - 9 giờ trước

Bằng ý chí và khát vọng theo đuổi ước mơ, những học sinh vùng núi xứ Thanh đã vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực không ngừng để tỏa sáng trên hành trình tri thức.

Nữ sinh người Thái vượt nghịch cảnh, đạt thủ khoa của trường

Là người dân tộc Thái, sống tại xã Mường Lát (Thanh Hóa), Vi Như Nguyệt, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Mường Lát đã xuất sắc giành 27,25 điểm khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trở thành thủ khoa của trường.

Vi Như Nguyệt đã xuất sắc giành 27,25 điểm khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trở thành thủ khoa của trường. Ảnh: NVCC
Vi Như Nguyệt đã xuất sắc giành 27,25 điểm khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trở thành thủ khoa của trường. Ảnh: NVCC

Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mắc bệnh tâm thần, bố đi làm phụ hồ xa nhà để nuôi con ăn học, tuổi thơ của Nguyệt gắn với sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Em sớm học cách tự lập, vừa học, vừa phụ giúp ông bà và chăm sóc mẹ mỗi khi trái gió trở trời.

Ngay sau kỳ thi, Nguyệt lập tức khăn gói ra Hải Phòng làm công nhân, phụ giúp cha trang trải cuộc sống. Hay tin mình đạt điểm cao, em vội báo cho bố. Niềm vui như vỡ òa – người cha xin nghỉ làm, về nhà tổ chức một buổi liên hoan nhỏ với bà con trong bản.

Nguyệt ước mơ trở thành cô giáo, trở về vùng cao để tiếp tục “gieo chữ” nơi quê hương còn nhiều khó khăn.

“Nguyệt không chỉ học giỏi mà còn giàu nghị lực. Em là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó để các bạn noi theo”, thầy Nguyễn Nam Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát nhận xét.

Thủ khoa đầu vào lớp 10 mong muốn sau này về quê giúp trẻ em vùng cao

Sinh năm 2010, Vi Ánh Ly Na (dân tộc Thái) rời vùng cao Mường Lát khi mới lớp 6, cùng em trai về TP. Thanh Hóa sống với ông bà ngoại để tiện học tập. 

Nữ sinh Vi Ánh Ly Na và mẹ của mình. Ảnh: NVCC
Nữ sinh Vi Ánh Ly Na và mẹ của mình. Ảnh: NVCC

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025–2026, Ly Na đạt tổng điểm 28,6 (Toán 9, Văn 9, Anh 9,6 và 1 điểm ưu tiên), trở thành thủ khoa đầu vào Trường THPT Hàm Rồng-một trong những ngôi trường có điểm chuẩn cao nhất tỉnh Thanh Hóa.

Ngay từ tiểu học, Ly Na đã thể hiện tố chất nổi bật: từng giành giải Nhất cấp huyện môn Tiếng Anh và Ngữ văn, giải Nhì học sinh giỏi lớp 9 môn Tiếng Anh, giải Ba cấp tỉnh cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng”. Không chỉ học giỏi, em còn là lớp trưởng mẫu mực, MC , thành viên đội tuyển học sinh giỏi, đội văn nghệ...của trường.

“Có lúc em thấy tủi thân vì không có bố mẹ bên cạnh như bạn bè, nhưng em hiểu rằng bố mẹ cố gắng vì tương lai của chúng em nên em cũng chăm chỉ học hành. Em chỉ mong học thật tốt để sau này quay về giúp trẻ em vùng cao – nơi em đã lớn lên và thấu hiểu những thiệt thòi ở đó”, Ly Na chia sẻ.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THCS Minh Khai - nơi Ly học cấp 2) đánh giá: Ly Na là học sinh toàn diện, có tư duy sắc bén, sống tình cảm và luôn hết lòng vì tập thể.

“Chúng tôi rất ấn tượng với Ly Na – một học sinh dân tộc thiểu số có kết quả đầu vào xuất sắc. Em sẽ được tạo điều kiện phát triển tốt nhất khả năng của mình tại ngôi trường này”, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng cho biết.

Á khoa toàn quốc nêu bí quyết là tự học

Là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi, xã Thọ Xuân (Thanh Hóa), Trịnh Văn Hiếu  đã xuất sắc đạt 29,75 điểm khối A00 (Toán: 10; Vật lí: 10; Hóa học: 9,75), trở thành thí sinh có điểm cao nhất tỉnh Thanh Hóa, trở thành đồng Á khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trịnh Văn Hiếu và thầy giáo Bùi Anh Tuấn, giáo viên Toán, Trường THPT Lê Lợi Thanh Hóa- Ảnh CTV
Trịnh Văn Hiếu và thầy giáo Bùi Anh Tuấn, giáo viên Toán, Trường THPT Lê Lợi Thanh Hóa- Ảnh CTV

Bố của HIếu là bộ đội biên phòng đóng quân tại Pù Nhi, mẹ làm thư viện trường tiểu học, Hiếu trưởng thành trong môi trường kỷ luật và ý thức học tập nghiêm túc. Đam mê Toán từ nhỏ, em từng giành nhiều giải học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, nổi bật trong đội tuyển của trường.

Hiếu lựa chọn con đường tự học, đó là chăm chú nghe giảng trên lớp, tự hệ thống kiến thức theo chuyên đề, kết hợp công nghệ để luyện đề, xem video và khai thác các nền tảng học trực tuyến. Em còn duy trì thói quen đạp xe mỗi ngày để thư giãn tinh thần.

“Trước khi tra điểm thi em rất hồi hộp, mẹ không dám xem cùng. Khi biết kết quả, mẹ ôm em khóc rồi gọi ngay cho bố. Em thấy những nỗ lực của mình cuối cùng cũng được đền đáp”, Hiếu xúc động kể lại.

Hiện tại, Hiếu định hướng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với mong muốn trở thành kỹ sư công nghệ, góp sức vào sự phát triển của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.