Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dịch COVID-19 diễn biến trái chiều tại châu Âu

PV - 10:17, 29/06/2021

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (55.545.661 ca). Với 47.852.320 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.542.482 ca và Nam Mỹ với 32.671.517 ca. Châu Phi (5.482.016 ca) và châu Đại Dương (73.797 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Các thành viên lực lượng vũ trang hỗ trợ chương trình tiêm chủng cho người dân ở Motherwell, Scotland  (Ảnh: Andrew Milligan/PA)
Các thành viên lực lượng vũ trang hỗ trợ chương trình tiêm chủng cho người dân ở Motherwell, Scotland (Ảnh: Andrew Milligan/PA)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 29/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 182.168.514 ca, trong đó 3.944.714 ca tử vong và 166.723.086 ca đã được chữa khỏi.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới là 8.112 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.507.695 ca, trong đó 619.538 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm mạnh, với 37.037 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 30.316.000 ca, trong đó 397.668 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 907 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 18.448.402 ca và số ca tử vong là 514.092. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 27.804 ca nhiễm mới, 548 ca tử vong.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (55.545.661 ca). Với 47.852.320 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.542.482 ca và Nam Mỹ với 32.671.517 ca. Châu Phi (5.482.016 ca) và châu Đại Dương (73.797 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại châu Âu, dịch bệnh đang diễn biến trái chiều ở các nước. Tại Nga, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 21.650 ca mắc mới và 611 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.472.941 và 133.893 ca tử vong. Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga cũng khiến giới chức các nước lo ngại trong bối cảnh giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra, thu hút hàng nghìn người hâm mộ tới sân vận động theo dõi các trận đấu tại các quốc gia khác nhau trên khắp châu lục. Thành phố Saint Petersburg của Nga đã tổ chức 6 trận đấu và là địa điểm diễn ra một trong những trận tứ kết vào ngày 2/7 tới. Hai điểm nóng dịch COVID-19 ở Nga là thành phố Moskva và Saint Petersburg ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, lần lượt với các con số 124 và 110 ca tử vong.

Trong khi đó, với 9 ca tử vong, Ukraine ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/7/2020. Nước này cũng ghi nhận thêm 285 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 2.234.281 ca, trong đó có 52.295 ca tử vong. Bộ Y tế Ukraine cho biết số ca mắc mới đang giảm mạnh. Đầu tháng này, Ukraine đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong nước trong khi gia hạn một số biện pháp khác cho đến ngày 31/8.

Italy cũng đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước - đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020. Trong một sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 28/6, Bộ Y tế Italy lần đầu tiên đã xếp tất cả 20 khu vực của Italy là "vùng trắng", có nghĩa là các vùng có nguy cơ thấp về COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc ở các khu vực ngoài trời.

Tại Anh, ngày 28/6, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định nước này có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng, chống COVID-19 theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7 tới. Chính phủ Anh hy vọng có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tuần trước, song do số ca nhiễm mới ngày một tăng, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta, Anh đã phải lùi lại kế hoạch này cho đến ngày 19/7.

Tuy nhiên, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết, kể từ ngày 28/6, hành khách từ Anh đến nước này sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày, nếu trước đó họ chưa được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Quyết định trên sẽ được áp dụng cho đến ít nhất ngày 11/7 tới. Tương tự, Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu du khách Anh phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc chứng nhận đã tiêm chủng ngừa COVID-19 đủ liều, nếu họ muốn du lịch tới Mallorca, Ibiza và các vùng lân cận quần đảo Balearic.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp Indonesia ghi nhận 20.694 ca mắc mới trong ngày 28/6, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.135.998 ca, trong đó 57.561 ca đã tử vong.

Trong ngày 28/6, Iran ghi nhận thêm 12.351 ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 3.180.092 ca; Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 5.283 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.414.310 ca.

Trong khi đó, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi. Trong 24 giờ qua có thêm 16 người tử vong và 883 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 135 ca nhập cảnh - số ca nhập cảnh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 48.532 ca mắc COVID-19, trong đó 42.764 người khỏi bệnh và 556 người tử vong.

Tại Malaysia, sau 4 tuần phong tỏa toàn diện, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã giảm từ trên 8.000 ca/ngày xuống còn 5.218 ca mắc mới trong ngày 28/6, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 739.266 ca, trong đó có 5.001 ca tử vong./.