Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đi tìm mô hình hiệu quả cho hợp tác xã kiểu mới ở Bạc Liêu: Những cách làm hiệu quả từ thực tiễn (Bài 2)

Minh Đạt - 11:50, 12/09/2023

Để gỡ khó cho những vấn đề phát sinh trong hoạt động HTX, một số HTX kiểu mới đã ra đời tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu và được ví như những “chú sếu” đầu đàn trong phong trào làm kinh tế hợp tác, có thể xem xét, đánh giá để nhân rộng. Ngoài ra, những mô hình hiệu quả của HTX kiểu mới ở các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng là kinh nghiệm để Bạc Liêu tham khảo, tìm ra một mô hình phù hợp với thực tiễn địa phương.

Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp Yến Nhi (TP. Bạc Liêu)
Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp Yến Nhi (TP. Bạc Liêu)

Những “con sếu đầu đàn”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, như: HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu); HTX Vĩnh Cường, HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình), HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long); HTX Ba Đình (huyện Hồng Dân), HTX nuôi tôm Công nghệ cao (huyện Đông Hải),… góp phần tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình) có 5.000 hộ thành viên và thành viên liên kết trong và ngoài tỉnh, sản xuất trên diện tích hơn 17.000 ha. Hoạt động của HTX tập trung “cung đầu vào, đầu ra” cho các hộ thành viên và thành viên liên kết với phương châm là chia sẻ lợi ích với bà con nông dân. Từ đó, HTX đã thực sự thu hút ngày càng đông bà con nông dân tham gia làm thành viên liên kết.

Sản phẩm trứng artemia của HTX ARTEMIA được giới thiệu trên trang Face book của Liên minh HTX tình Bạc Liêu
Sản phẩm trứng artemia của HTX ARTEMIA Vĩnh Châu được giới thiệu trên trang Face book của Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu

Hay HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) luôn giữ vai trò là “HTX đầu đàn”, có nhiệm vụ hỗ trợ giúp cho 5 HTX cùng nghề phát triển. Thực hiện dịch vụ cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, tạo thành chuỗi giá trị cho sản xuất bền vững, HTX đã đưa trứng Artemia xuất bán sang các nước, giúp các thành viên HTX và nông dân thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Năm 2020, HTX chính thức bổ sung ngành nghề mới là nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình tuần hoàn khép kín và an toàn sinh học. HTX đã thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất bền vững như nuôi luân canh Artemia vào mùa khô, tôm vào mùa mưa. Trong đó, Artemia sử dụng thức ăn ủ men, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sử dụng chế phẩm sinh học ít thay nước, tuần hoàn khép kín, không xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chia sẻ: Bí quyết để đạt được những kết quả đó là do HTX luôn chăm lo phát triển nguồn nhân lực. Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất trứng Artemia, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. HTX cũng có chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ, dài hạn và bền vững.

Sản phẩm ngêu, sò, ốc hương của HTX Đồng Tiến được giới thiệu trên trang mạng xã hội của Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu
Sản phẩm ngêu, sò huyết, ốc hương của HTX Đồng Tiến được giới thiệu trên trang mạng xã hội của Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu

Trên thực tế, những HTX làm ăn hiệu quả như HTX Vĩnh Cường hay HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chỉ chiếm số ít trong các HTX đang hoạt động hiện nay. Việc tìm ra mô hình mới và hiệu quả cho HTX kiểu mới còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Tăng sự liên kết trong nông dân

Mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp đã được chứng thực là cách làm hiệu quả trong việc liên kết nông dân. Đó là mô hình quy tụ nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, phương thức làm ăn giỏi... Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như lúa, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, nuôi lươn,… Các hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không có một tổ chức chính trị nào điều hành, các thành viên tự bầu chọn ra một chủ nhiệm hội quán, tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm. Qua hội quán, các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nhiều thành viên Hội quán có thu nhập ổn định hơn, đời sống không ngừng được nâng cao. Trên cơ sở đó, nhiều Hội quán đã nâng cấp lên thành lập HTX.

Lãnh đạo và các ban, đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam; Trưởng cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và Chủ tịch Liên minh HTX các tỉnh đến thăm và làm việc tại HTX Đồng Tiến, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu
Lãnh đạo và các ban, đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam; Trưởng cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và Chủ tịch Liên minh HTX các tỉnh đến thăm và làm việc tại HTX Đồng Tiến, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

Trong chuyến công tác tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình Hội quán ở Đồng Tháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu- Lê Tấn Cận cho rằng: Mô hình “Hội quán” của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã phát huy được chính sức mạnh nội tại của cộng đồng người dân ở nông thôn. Với đặc thù giữa Bạc Liêu và Đồng Tháp có nét tương đồng: đều là tỉnh nông nghiệp, có tập quán và văn hóa của nhân dân hai tỉnh giống nhau. Do đó, Bạc Liêu sẽ nghiên cứu để xây dựng mô hình “Hội quán” tại tỉnh để góp phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Dự kiến huyện Hồng Dân sẽ là địa phương đầu tiên để thành lập mô hình mới này.

Không chỉ có mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp mà còn nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển bền vững trong cả nước được chứng minh trên thực tế cần được học tập kinh nghiệm như mô hình chế biến sữa dê ra nhiều sản phẩm OCOP độc đáo của HTX Đông Nghi (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Hay mô hình cánh đồng lớn không có dấu chân người ở tỉnh An Giang, đưa cơ giới hóa, đưa công nghệ xuống đồng; các công đoạn làm đất, bơm tưới, sạ giống, rải phân, phun thuốc, gặt đập, vận chuyển lúa đều do máy móc làm. Hay HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (tỉnh Quảng Nam); mô hình nuôi cá tầm khổng lồ trị giá hơn 40 triệu đồng/con kết hợp du lịch ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu…

Trang trại nuôi lươn của HTX Năm Hột, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình
Trang trại nuôi lươn của HTX Năm Hột, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình

Ở các địa phương trong cả nước không thiếu những mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, thu lợi nhuận cao, giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, đâu là mới là mô hình thật sự phù hợp thì cần sự đánh giá, nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn. Ngoài ra, bộ máy quản lý và các chính sách hỗ trợ cũng là điều kiện quan trọng để các mô hình này khi áp dụng ở Bạc Liêu thật sự phát huy tốt.

Trong một hội nghị gần đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo: Các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý HTX, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến nông, khuyến công và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực của các HTX. Tổ chức tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các HTX cần chủ động cơ cấu lại sản phẩm, định hướng lại đầu tư, chuyển sang sản xuất các sản phẩm gắn với thị trường. Liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Nghiên cứu, mở rộng các thị trường đối với các mặt hàng xuất khẩu nông sản. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản đặc trưng…