Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Di sản Then của người Tày, Nùng, Thái - Tự hào để gìn giữ và trao truyền: Những nghệ nhân dân gian tâm huyết với di sản then (Bài 1)

Văn Hoa - 03:46, 05/12/2023

Đối với người Tày, Nùng, Thái, điệu hát Then là một tài sản vô giá, như một báu vật mà các bậc tiền nhân đã trao truyền lại cho con cháu. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là niềm tự hào, là thương hiệu quốc gia mà cả thế giới dành cho những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Để tiếng Then sống mãi cùng thời gian, nghệ nhân dân gian giữ vai trò chủ chốt trong việc kế thừa, thực hành, truyền dạy và tái sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể. Từ trong lịch sử tới hiện tại, họ chính là người hằng ngày tham gia vào công cuộc lưu giữ và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể, để văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Từ những người trẻ tuổi

Chúng tôi tìm về thôn Đon Riệc 1, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, gặp anh Dương Doãn Quảng, dân tộc Tày, sinh năm 1992. Anh Quảng đã từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, là người có tình yêu mãnh liệt với then và cây đàn tính, một nghệ nhân trẻ được nhiều người khen ngợi, đánh giá là tài ba, vì anh vừa hát hay lại đánh đàn tính giỏi, biết chế tác đàn tính, nhiều chiếc đàn tính quanh vùng đều do bàn tay anh làm nên.

Trò chuyện với chúng tôi tại xưởng gia công đàn tính, Quảng say mê giới thiệu, chỉ cho chúng tôi từng công đoạn để làm nên cây đàn, từ việc chọn quả bầu sao cho tốt nhất, đến việc chọn gỗ làm thân đàn, căng dây...

Cầm cây đàn trên tay, Quảng giải thích, quan trọng nhất khi chế tác cây đàn, là hộp quả bầu (hộp phát âm). Khi cắt phải làm sao cho đều, đẹp, mặt vừa tầm không rộng quá, không nhỏ quá để phát ra âm thanh hay. Đàn có 3 dây, trước kia các cụ phải dùng dây lá gai, bây giờ dùng dây cước âm thanh hay hơn, bền hơn.

Nói về cơ duyên với đàn tính, Quảng nhớ lại, ngay từ thủa nhỏ, anh đã được nghe các bậc cao niên hát then, gảy đàn tính, cứ thế anh yêu và mê đàn tính bao giờ không hay. Khi có một nghệ nhân đến xã bán thuốc nam, nhận thấy Quảng yêu thích đàn tính, ông đã chỉ cho anh vài thao tác cơ bản để làm đàn.

Anh Dương Doãn Quảng, dân tộc Tày, sinh năm 1992, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn với niềm đam mê với then và cây đàn tính
Anh Dương Doãn Quảng, dân tộc Tày, sinh năm 1992, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn với niềm đam mê làn điệu then và cây đàn tính

Từ đó, khi còn đang là học sinh cấp 2, ngoài giờ đi học trên lớp, anh đã mày mò làm đàn và cùng các anh, các chị đi diễn văn nghệ. Anh nói, ban đầu, anh phải mày mò, nghiên cứu rất nhiều. Mới làm khó khăn về các họa tiết mộc, âm thanh, chưa biết âm thanh thế nào là chuẩn, chưa chuẩn; nghiên cứu nguyên liệu làm mặt đàn phải bằng gỗ gì và cách nào để nó không bị vênh mà âm thanh vẫn tốt.

Quảng tâm sự, từ năm 2016, khi nhận thấy địa phương chỉ có vài người biết làm đàn, nhưng là làm chơi giải trí, không đạt về mẫu mã và chuẩn âm, do đó anh đã quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh, coi đó là một nghề.

Qua sự cố gắng, kiên trì học hỏi, rút kinh nghiệm, sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm, từ việc làm đàn để thỏa mãn đam mê, để tặng hoặc chỉ bán cho người quen, anh Quảng đã biến nó trở thành một sản phẩm tạo sinh kế, đem lại thu nhập và được khách hàng khắp cả nước yêu thích.

Quảng chia sẻ, mỗi tháng anh làm và bán được 5 - 6 cây đàn, cho thu nhập hơn chục triệu đồng/ tháng. Thời gian qua, lượng bán được nhiều hơn, do người dân ý thức hơn trong bảo tồn bản sắc văn hóa, và các câu lạc bộ dân ca mới thành lập nên họ sắm đàn để hoạt động.

Có được nguồn thu nhập, anh càng có điều kiện yêu nghề làm đàn hơn. Tuy nhiên, Quảng cũng lo lắng, khó khăn nhất là không đủ nguyên liệu, đó là quả bầu. Để chủ động nguyên liệu, Quảng đã tự trồng bầu để lấy quả, nhưng cũng không đủ nên anh phải đi tìm mua quả bầu ở các vùng khác. Với Quảng, làm đàn không chỉ là một nghề thỏa mãn niềm đam mê, mà nó còn mang ý nghĩa gìn giữ tài sản của cha ông - nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Rất nhiều nghệ nhân trẻ tuổi đã có nhiều cống hiến cho di sản then
Rất nhiều nghệ nhân trẻ tuổi đã có nhiều cống hiến cho di sản then

Được biết, Quảng còn là Bí thư Chi đoàn được chính quyền địa phương, đoàn viên đánh giá là năng động, sáng tạo, hát hay, đàn giỏi. Ngoài làm đàn tính, Dương Doãn Quảng còn tham gia vào nhóm biểu diễn văn nghệ hát then- đàn tính phục vụ khách du lịch và biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương.

Đến những nghệ nhân "gạo cội"

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện (bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), được đồng bào người Thái vùng Tây Bắc yêu mến, bởi ông hát then hay, đàn tính giỏi. Ông Điện chia sẻ, Then là tiếng lòng, là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố nghệ thuật như múa, hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc, tất cả được hoà quyện thành giá trị văn hoá truyền thống riêng của mỗi dân tộc.

Thế nên, theo ông Điện, trong các nghi lễ, trong sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào, sẽ có một bài hát Then, đàn tính riêng, nên việc học để thành thạo hát Then, đàn tính cũng là một điều khó.

Hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, ông đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại cho con cháu và những người đam mê với loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, khi có cơ hội, ông lại cùng đội văn nghệ bản tham gia nhiều hội thi, liên hoan hát Then đàn tính và giành nhiều giải thưởng. Nhiều câu lạc bộ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, các trung tâm nghệ thuật tỉnh, nhà hàng… tìm đến ông đặt làm đàn tính biểu diễn, trưng bày. Nhờ đó, ông có thêm nguồn thu nhập, ông càng có điều kiện với đam mê Then, đàn tính hơn.

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1921 (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) là người đã có hơn 80 năm làm nghề then (Ảnh TL)
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1921 (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) là người đã có hơn 80 năm làm nghề then (Ảnh TL)

Tương tự, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1921 (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) là người đã có hơn 80 năm làm nghề then. Bà Kịt đã có công rất lớn trong việc lưu giữ lời then tiếng tính của người Tày, Nùng. Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 102, nhưng Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt vẫn thực hành then trong những dịp đại lễ của dân tộc.

Trong suốt hơn 80 năm, nghệ nhân Mỗ Thị Kịt đã tích cực lưu giữ, trao quyền nghề cho các đệ tử. Hiện nay, bà có hơn 10 học trò thân thiết. Các học trò của bà Kịt nhiều người đã thành danh và tiếp tục đồng hành cùng then Kịt trong hành trình lưu giữ di sản then. Với những cố gắng của then Kịt và các trò, dòng then của bà đã trở nên nổi tiếng, được bà con trong và ngoài địa phương tín nhiệm.

Có thể thấy, trong vùng đồng bào DTTS hiện đang có hàng nghìn nghệ nhân, người tâm huyết đã nỗ lực gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị Then - đàn tính với cộng đồng, giúp cho điệu hát Then - đàn tính được lưu giữ, bay xa và vươn tầm thế giới; góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa dân tộc Việt Nam.