Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đến Tết lại bán keo non

PV - 11:19, 08/02/2018

Cứ vào dịp cận Tết, người dân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi lại bước vào mùa thu hoạch keo rầm rộ. Đằng sau niềm vui có khoản tiền để trang trải cuộc sống và lo Tết, là nỗi buồn phải bán đổ, bán tháo khi keo vẫn còn non. Tình trạng này đã lặp lại nhiều năm mà chưa có giải pháp ngăn chặn.

Người dân các huyện miền núi Quảng Ngãi đang khai thác keo. Người dân các huyện miền núi Quảng Ngãi đang khai thác keo.

 

Bán keo để có tiền ăn Tết

Theo chu kỳ sinh trưởng, khi cây keo được từ 6-7 năm là thời điểm khai thác thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng và nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân phải bán keo khi chỉ mới hơn 3 năm tuổi.

Những ngày cận Tết, đi dọc theo các tuyến đường từ miền xuôi lên các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân ào ào thu hoạch những đám keo chỉ mới trồng được khoảng 3-4 năm, nhiều cây chỉ mới to bằng cổ tay người lớn cũng bị chặt hết. Vẫn biết, keo khai thác sớm hơn so với chu kỳ sinh trưởng, hiệu quả kinh tế không cao nhưng bà con vẫn cứ khai thác.

Trò chuyện với anh Đinh Lâm, xã Long Môn, huyện Minh Long chúng tôi được biết do không có tiền để mua sắm Tết nên bán keo non. “Tết đến nơi rồi trong nhà không có tiền, gạo cũng hết, mấy đứa nhỏ lại đòi có đồ mới nên vợ chồng mình phải “bấm bụng” khai thác 1ha keo trồng cách đây hơn 3 năm, được 50 tấn với giá 900 ngàn đồng/tấn trừ mọi chi phí còn được một nửa để sắm Tết, sang năm trồng lại”, anh Lâm chia sẻ.

Không chỉ có huyện Minh Long, các huyện miền núi khác như Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà... tình trạng khai thác keo non cũng diễn ra ồ ạt. Theo lý giải của chính quyền địa phương, nguyên nhân chính là vào thời điểm cuối năm, thời tiết mưa lạnh kéo dài cả tháng, người dân không có việc làm. Thanh niên trai trẻ thì có thể lên Tây Nguyên thu hoạch mía, hái cà phê... nhưng còn người lớn tuổi thì quanh năm chỉ biết quanh quẩn ở quê. Không có thu nhập, lại là thời điểm cuối năm, bà con rất cần tiền để chi vào nhiều thứ, nhất là đầu tư vào sản xuất vụ đông xuân, trả nợ cho các cửa hàng vật tư nông nghiệp... nên chỉ còn cách bán keo non.

Khó ngăn chặn

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tây Trà cho biết, trong năm 2017, gỗ keo nguyên liệu của huyện đạt 10.220 tấn, bằng 44% so cùng kỳ. Nguyên nhân lâm sản đạt tỷ lệ thấp vì người dân sử dụng giống bị thoái hóa, tái sử dụng lại cây tái sinh, nên năng suất chất lượng thấp, trồng với mật độ quá dày...; đặc biệt là tình trạng khai thác khi chưa đủ tuổi thu hoạch vẫn tiếp diễn.

“Nếu keo khai thác đúng chu kỳ sẽ đạt sản lượng từ 80-90 tấn/ha, trong khi keo non chỉ đạt từ 40-50 tấn/ha. Cuộc sống khó khăn dẫn đến phải bán keo non, người dân và cả chính quyền đều thấy tiếc. Nhằm hạn chế tình trạng bán keo non, chính quyền cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động, chứ không thể xử lý. Vì rừng là của người dân. Việc khai thác, sử dụng do họ quyết định”, bà Thúy phân trần.

Còn theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ, năm 2017, sản lượng gỗ keo khai thác trên địa bàn huyện có tăng hơn năm 2016, nhưng tình trạng khai thác keo non vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào dịp cuối năm, mùa giáp hạt. Nhà nước chỉ tuyên truyền, vận động chứ không thể buộc người dân thu hoạch đúng năm tuổi rừng. Theo người dân thì, thu hoạch keo mùa này được lợi vì lượng nước trong keo cao nên keo được trọng lượng nhưng họ không nghĩ rằng keo chưa đủ tuổi năng suất thấp hơn nhiều lần.

Định hướng của Bộ NN&PTNT, thời gian tới, sẽ hạn chế việc xuất khẩu dăm gỗ với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng. Bên cạnh đó, sẽ chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang gỗ lớn, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường triển khai các giải pháp tuyên truyền, để người dân nhận thấy việc bán keo non gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chính người trồng. Đặc biệt, chú trọng giúp đỡ, hướng dẫn các hộ xây dựng các mô hình kinh tế theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, tạo việc làm và chăm lo Tết cho người dân, có như vậy thì tình trạng bán keo non mới giảm dần.

LÊ PHƯƠNG