Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để xòe Thái sống trong xã hội đương đại

Hồng Minh - 14:18, 16/10/2019

Xòe Thái là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Với những giá trị tiêu biểu và sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng, xòe Thái đã được triển khai xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng việc phát huy giá trị của di sản này trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn là vấn đề cần quan tâm...

Vòng xòe của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019, tỉnh Yên Bái (Ảnh TL).
Vòng xòe của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019, tỉnh Yên Bái (Ảnh TL).

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, xòe truyền thống của dân tộc Thái tại địa phương đang có nguy cơ bị mai một. Thế hệ trẻ khi xòe đã không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Bên cạnh đó, vấn đề di dân để xây dựng thủy điện đã làm biến đổi môi trường và không gian sống, đồng thời tác động mạnh mẽ đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng gắn với nghệ thuật dân vũ của đồng bào dân tộc Thái ở các bản tái định cư. Tất cả vấn đề trên được coi là những nguyên nhân làm mai một, biến dạng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật xòe Thái. 

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng: “Nghệ thuật xòe Thái cần được nghiên cứu, vừa bảo tồn vừa tái sáng tạo để tạo ra những giá trị mới gia tăng. Phải làm sao để xòe Thái hội nhập được với đời sống đương đại, được giới trẻ và công chúng thưởng thức, sử dụng như một sản phẩm văn hóa mới nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi tạo thành bản sắc của xòe Thái”.

Hay theo nhà văn Hà Lâm Kỳ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, thương hiệu đích thực của các làn điệu xòe dân gian đang nằm trong tay các nghệ nhân, tồn tại trong mỗi gia đình. Vậy tại sao múa xòe trong cụm gia đình, trong bản, trong các ngày lễ của dân tộc Thái như cầu mùa (xuống đồng), lên nhà mới… lại ít được quan tâm? “Việc truyền dạy để lưu giữ là việc làm vô cùng khó khăn, nó phải được diễn ra trong một vài bản nhỏ, gia đình, một vài nghệ nhân tâm huyết. Sau nhiều năm, mười em trong bản may ra được ba bốn em đạt tiêu chuẩn “nghệ nhân nhí”. Từ đó, các em trưởng thành và trở thành biên đạo, diễn viên, nhà nghiên cứu… trong lĩnh vực nghệ thuật múa xòe của dân tộc Thái’, nhà văn Hà Lâm Kỳ cho biết. 

Tại Hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại” vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Barley Norton, Đại học London, Vương quốc Anh đã cho rằng, việc sản xuất các tài liệu nghe nhìn là một phần trong quá trình lan tỏa di sản ở nhiều nơi trên thế giới. Qua việc tìm hiểu các clip xòe Thái trong tháng 9/2019 trên Youtube, TS. Barley Norton cho biết các bài đăng này đã thu hút hàng trăm lượt người xem. Ông khẳng định, trong xã hội đương đại, các phương tiện kỹ thuật số sẽ giúp nhiều người quan tâm đến di sản văn hóa hơn. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy nên tính đến việc phổ biến nghe nhìn trong môi trường phương tiện truyền thông luôn thay đổi như ngày nay.