Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người “gom nhặt” ca dao, tục ngữ dân tộc Thái

PV - 11:03, 28/05/2018

Ông Phạm Xuân Cừ, dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn, Thanh Hóa là một trong những người tâm huyết trong việc bảo tồn ca dao, tục ngữ của dân tộc mình.

Hàng chục năm qua, ông bỏ công sức sưu tầm, tìm hiểu loại hình văn hóa và tri thức dân gian này để vận dụng vào đời sống văn hóa thực tiễn. Đến nay, ông đã sưu tầm được hơn 2 nghìn câu ca dao, tục ngữ, từng bước đưa di sản này đến gần với đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong thời hiện tại.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, ông Cừ thừa hưởng tình yêu ca dao, tục ngữ của dân tộc Thái từ người cha yêu quý của mình.

Ông Phạm Xuân Cừ giành cả cuộc đời miệt mài sưu tầm ca dao tục ngữ dân tộc Thái. Ông Phạm Xuân Cừ giành cả cuộc đời miệt mài sưu tầm ca dao tục ngữ dân tộc Thái.

 

Khi trưởng thành, bằng tình yêu, tâm huyết và mong muốn tìm lại kho tàng ca dao tục ngữ dân tộc Thái, ông Cừ đã đi đến tất cả các thôn bản của người Thái sinh sống ở xứ Thanh để sưu tầm, tìm hiểu. Tại đây, ông có cơ hội được gặp gỡ nhiều cụ cao niên để khai thác, cóp nhặt tất cả các câu ca dao, tục ngữ của dân tộc Thái, tập hợp thành những tệp tư liệu riêng. Được mỗi người chia sẻ một, hai câu theo trí nhớ của mình, qua nhiều năm “gom nhặt”, ông Phạm Xuân Cừ đã sưu tầm được hơn 2.500 câu ca dao tục ngữ.

Ông còn phối hợp cùng các hội viên trong Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa và thầy cô giáo, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức sưu tầm, phiên dịch gần 10 nghìn câu ca dao, tục ngữ dân tộc Thái, hiện đã được in thành sách đưa vào giảng dạy ngoại khóa cho sinh viên dân tộc Thái.

Ông Cừ chia sẻ, cũng như kho tàng văn hóa các dân tộc khác, tục ngữ, ca dao của dân tộc Thái là một kho tàng tri thức, kinh nghiệm về sản xuất, đời sống tinh thần, qua đó thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, tình cảm của con người.

Tục ngữ dân tộc Thái ca ngợi, khích lệ người siêng năng chăm làm và làm ăn có tính toán biết gắn cuộc sống của người lao động đối với vai trò, vị trí của mình trong xã hội, được xã hội quý mến, trân trọng. Ngay từ ngày mới trưởng thành con trai Thái phải học những việc cần thiết của người đàn ông như, đan lát, tập chặt dao, rìu, tập cầm cày bừa..., con gái Thái phải học dệt thổ cẩm, thêu thùa, may vá, các công việc nội trợ...

Ví dụ như câu ca dao tục ngữ người Thái về giáo dục cách sống, cách ứng xử như: “Nhiều mây trời mới đổ mưa/ Nhiều người mới nên làng nên bản”, hay những câu tục ngữ Thái ca ngợi, khích lệ người siêng năng chăm làm, được xã hội quý mến, trân trọng “Của xin không đủ ngày/ Của mua không đủ năm/ Chăm làm có ăn, siêng nằm chết đói”.

Ấn tượng hơn là, vào mỗi dịp họp dân, ông Cừ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến bà con không chỉ bằng văn bản khô cứng mà vận dụng ca dao, tục ngữ để ví von cho bà con dễ hiểu. Ông Cừ ví dụ “Giữ lấy rừng về sau phát triển/ Để cho muôn mó nước, sông suối tuôn trào/ Ai nhớ được câu nói ấy thì mới nên người”.

Theo ông Cừ, những văn bản, chính sách tiếp cận đến bà con không phải ai đọc cũng hiểu, nên mình hiểu được phải giải nghĩa cho bà con, đọc ca dao tục ngữ để giải thích là hiệu quả nhất, vừa cuốn hút, vừa sâu sắc.

Không chỉ sưu tầm ca dao tục ngữ Thái, ông Phạm Xuân Cừ còn tự mình sáng tác. Ông chia sẻ ca dao, tục ngữ vốn là của dân gian, nhưng theo thời gian, kho tàng ca dao dần bị mai một nên cũng cần có người sáng tác để bồi đắp cho kho tàng ca dao tục ngữ ấy. Mong muốn của ông, không chỉ những người con dân tộc Thái hiểu, mà tất cả các dân tộc khác cũng có thể học tập, vận dụng vào đời sống.

HỒNG MINH