Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau: Xã hội hóa nguồn lực (Bài 3)

Tiêu Dao - Vĩnh Sơn - 17:55, 24/12/2023

Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Đó là cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

(BCĐ- TT vận động ND) Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau: Xã hội hóa nguồn lực, chung tay bằng các hoạt động thiết thực (Bài 3)
Xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đang phát huy hiệu quả

Chung tay giảm nghèo

Theo chỉ số nghèo đa chiều được công bố mới đây, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công trong 15 năm qua. Nghèo đa chiều là cách đánh giá mới theo tiêu chí về thu nhập (dưới 2,15 USD/ngày - tương đương 50.000 đồng/ngày) và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, điều kiện sống… Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2016 - 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới hướng tới giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1% so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81% trong giai đoạn 2016 - 2022. Ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra. 

Báo cáo về kết quả giảm nghèo trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ, công tác giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2022. Kết quả thực hiện giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số cũng đạt được những bước tiến. Mặc dù khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khá lớn, nhưng đã được thu hẹp dần dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn ở phía trước khi phần lớn hộ nghèo vẫn còn thiếu sinh kế, giảm nghèo cũng chưa thật sự bền vững...

Trong nhiều năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 6,4 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 772 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đưa tổng nguồn vốn thực hiện của NHCSXH đến 30/9/2023 đạt 333 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310 nghìn tỷ đồng. 

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

(BCĐ- TT vận động ND) Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau: Xã hội hóa nguồn lực, chung tay bằng các hoạt động thiết thực (Bài 3) 1
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng

Những nguồn lực cần thiết

Phong trào thi đua chung tay vì người nghèo được phát động được triển khai sâu rộng. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo.

Năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ, Cơ quan Trung ương, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2023 là 1.410,892 tỷ đồng đạt 26%, ước giải ngân đến hết tháng 9 năm 2023 là 4.007,572 tỷ đồng (trong đó 2.019,514 tỷ đồng thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang đạt 60%, 1.988,059 tỷ đồng thanh toán kế hoạch vốn giao trong năm 2023, đạt 37%). Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 ước trên 20.000 tỷ đồng. Các Bộ ngành cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. 

Giai đoạn 2021-2023, các bộ ngành, đoàn thể, các nhóm thiện nguyện và cá nhân hảo tâm đã vận động các nguồn lực, ủng hộ nhiều chương trình thiện nguyện; phối hợp với MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên kêu gọi, vận động các nguồn lực, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Theo đó, hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động, ủng hộ cho các hoạt động: xây dựng cầu dân sinh, các trường và điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai bão, lũ bão, ủng hộ học sinh nghèo vượt khó hàng ngàn cặp, sách, bộ quần áo ấm; hỗ trợ người dân nghèo, người khuyết tật khám, chữa bệnh; nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện; ủng hộ gạo và các vật phẩm giúp người nghèo; hỗ trợ các hoạt động hiến máu cứu người...

Tại các địa phương, MTTQ các cấp cũng đã thường xuyên có những giải pháp nhằm phát huy tính đa dạng, phong phú trong việc giúp đỡ người nghèo, tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để tham gia giúp đỡ người nghèo. Từ nguồn lực ủng hộ, nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp đã tập trung cùng với nguồn hỗ trợ của Chính phủ để tiếp tục thực hiện xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Đối với những địa phương đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở tiếp tục thực hiện hỗ trợ người nghèo về vật tư, công cụ sản xuất, giống cây con, hỗ trợ cho học sinh đi học, hỗ trợ chữa bệnh nặng, hiểm nghèo khi ốm đau, nằm viện, hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn, hỗ trợ các công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng.

(BCĐ- TT vận động ND) Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau: Xã hội hóa nguồn lực, chung tay bằng các hoạt động thiết thực (Bài 3) 2
Người nghèo được hỗ trợ vốn để an cư, phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của UBTW MTTQ Việt Nam, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội được trên 18.049 tỷ đồng, trong đó Quỹ Vì người nghèo đã vận động được trên 4.535 tỷ đồng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 13.513 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, MTTQ các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 103.514 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ trên 4,7 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh, trợ giúp trên 443.600 lượt người nghèo về phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh…

Tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022, đã có 167 cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương gần 134 tỷ đồng, an sinh xã hội trên 1.043 tỷ đồng.

Việc xã hội hoá, huy động nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời đã quản lý, sử dụng các loại quỹ, vốn đầu tư giảm nghèo đúng mục đích, đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia giảm nghèo đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghèo tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng và trong cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.