Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Khơi thông” con đường xuất khẩu lao động từ Chương trình MTQG 1719

Tùng Nguyên - 11:50, 20/12/2023

Cùng với hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề thì việc kết nối giải quyết việc làm, thúc đẩy lao động người DTTS tham gia thị trường lao động ngoài nước, là nội dung trọng tâm của Tiểu dự án 3 – Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719. Những cơ chế, chính sách trong Chương trình MTQG được kỳ vọng “khơi thông” con đường xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

LĐ người DTTS được hỗ trợ khi tham gia đi làm việc nước ngoài. (Trong ảnh: Một lớp học ngoại ngữ của LĐ người DTTS tham gia xuất khẩu LĐ)
LĐ người DTTS được hỗ trợ khi tham gia đi làm việc nước ngoài. (Trong ảnh: Một lớp học ngoại ngữ của LĐ người DTTS tham gia xuất khẩu LĐ)

Lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài còn thấp

Đưa lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài, là một trong những giải pháp đột phá trong giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tham gia thị trường LĐ ngoài nước, LĐ người DTTS không chỉ có thu nhập tốt, thoát nghèo nhanh mà còn học hỏi được các kỹ năng, kiến thức để trở về quê hương lập nghiệp.

Xác định ý nghĩa đó, những năm qua, Nhà nước đã triển khai rất nhiều chính sách để hỗ trợ LĐ người DTTS đi xuất khẩu lao động. Theo đó, LĐ không chỉ được hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; hỗ trợ tiền đi lại,... mà còn được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), các chính sách hỗ trợ LĐ người DTTS tham gia thị trường LĐ ngoài nước ngày càng đầy đủ. Trong từng bước của quá trình đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài, đều có sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo nên một “bệ đỡ” cho đồng bào DTTS tự tin hơn khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù đã có điểm tựa từ chính sách, nhưng số lượng LĐ người DTTS tham gia đi làm việc ở nước ngoài là không nhiều. Ngay cả ở những huyện nghèo 30a, bên cạnh chính sách của Nhà nước, các địa phương cũng đã có những cơ chế riêng để thu hút, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì kết quả cũng chưa đạt như kỳ vọng.

Đơn cử như huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 20 LĐ người DTTS đã xuất cảnh, đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ với 20 LĐ đã xuất cảnh, nhưng cũng đã giúp huyện Nậm Nhùn vượt 400% kế hoạch được giao trong năm 2023, và vượt 600% so với năm 2022.

Hay tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm huyện chỉ có 1 đến 2 LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan. Mặc dù các ban, ngành, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng do quen LĐ tự do, ngại đi xa nên số người trên địa bàn huyện Mường Nhé tham gia đi làm việc ở nước ngoài không mấy khả quan.

Kết quả thu hút LĐ người DTTS đi làm việc ngoài nước của Nậm Nhùn, Mường Nhé cũng là khó khăn chung của hầu hết các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, việc tăng số lượng LĐ ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài vẫn là bài toán nan giải ở địa bàn này.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/6/2022 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, cả nước chỉ có 6.836 lượt LĐ thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đào tạo và làm các thủ tục xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. 

Con số này là rất nhỏ so với tổng số LĐ cả nước tham gia xuất khẩu LĐ mỗi năm. Riêng năm 2022, theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, cả nước đã có hơn 142.800 LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Kết nối hiệu quả đào tạo với giải quyết việc làm

Những khó khăn trong công tác đưa LĐ người DTTS tham gia thị trường LĐ ngoài nước, được kỳ vọng tháo gỡ từ việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719). Từ năm 2022 Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ LĐ người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình MTQG 1719.

Căn nhà khang trang của gia đình bà Lò Thị Vĩnh, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được xây dựng từ tiền gởi về của 2 người con đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Căn nhà khang trang của gia đình bà Lò Thị Vĩnh, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được xây dựng từ tiền gởi về của 2 người con đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho LĐ tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719. Theo đó, LĐ là đồng bào DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, các thủ tục khi đi nước ngoài làm việc.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình MTQG 1719, LĐ được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…) ở mức 600.000 đồng/người.

Ngoài ra, LĐ người DTTS còn được hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) khi tham gia đào tạo với mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với LĐ cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với LĐ cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên. LĐ còn được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa là 750.000 đồng/người.

Triển khai Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn để thu hút LĐ người DTTS tham gia làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Triển khai Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn để thu hút LĐ người DTTS tham gia làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Với các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 và công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn được các địa phương chú trọng, tình hình xuất khẩu LĐ ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã khởi sắc hơn so với giai đoạn trước. Đơn cử tại xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam), năm 2023 xã đề ra chỉ tiêu đưa 5 LĐ đi xuất khẩu, nhưng trong 11 tháng đã có 30 LĐ trên địa bàn xã đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Còn tại thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn), toàn thôn có 110 hộ thì hiện khoảng 50% hộ trong thôn có người thân đăng ký đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới...

Rõ ràng, những cơ chế, chính sách của Chương trình MTQG 1719 đang từng bước “khơi thông” con đường xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi vậy, các địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQg 1719, vào trong các kế hoạch đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài hằng năm; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của chương trình để tạo “bệ đỡ” cho đồng bào DTTS tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu LĐ.

Chương trình MTQG 1719 đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài...