Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để người dân tái định cư “lạc nghiệp”

Thiên Đức - 10:10, 13/01/2020

Trong quá trình xây dựng thủy điện, tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện đưa hơn 4.000 hộ dân, với trên 20 nghìn nhân khẩu, phần lớn là người DTTS đến 125 điểm tái định cư (TĐC) thuộc các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn và TP. Tuyên Quang. Có thể nói, đến nay đa phần người dân TĐC đã “an cư”, nhưng vẫn cần tiếp tục bảo đảm “lạc nghiệp”.

Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Na Hang
Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Na Hang

Nghề mới, cuộc sống mới

Là một trong những hộ phải di cư khỏi vùng lòng hồ Thủy điện từ năm 2008, gia đình ông Phùng Xuân Sơn, ở thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang ban đầu gặp vô vàn khó khăn tưởng khó mà vượt qua được.

Ông Sơn tâm sự: “Khi mới chuyển về khu TĐC, gia đình chúng tôi rất hoang mang vì không biết làm nghề gì. Trong khi đó, gạo, tiền Nhà nước hỗ trợ thì ăn mãi cũng hết. Rất may, về nơi ở mới, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn tận dụng các eo, ngách hồ thủy điện để nuôi cá đặc sản”. 

Theo đó, năm 2010, gia đình ông Sơn và 4 hộ trong thôn đã đầu tư hệ thống lưới ngăn tạo thành một hồ nuôi cá với diện tích hơn 10ha và được hỗ trợ 70 triệu đồng tiền mua cá giống. Ông Sơn cho biết, do nước hồ sạch, phù du nhiều, sẵn cỏ nên nuôi cá không tốn nhiều thức ăn và công lao động, mỗi năm cho lãi 70 - 80 triệu đồng. 

Không riêng gia đình ông Sơn, nhiều hộ TĐC đến nay cũng đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa là một trong những xã đón dân TĐC thủy điện nhiều nhất tỉnh, đến nay người dân đã ổn định cuộc sống. 

Chia sẻ về công tác ổn định đời sống người dân vùng lòng hồ thủy điện, ông Lê Hữu Thể, Chánh Văn phòng UBND huyện Na Hang cho biết, một trong những mấu chốt của vấn đề này là tạo việc làm cho người dân. Để làm được điều đó, chính quyền đang hướng tới tạo sinh kế mới phù hợp với tình hình hiện tại, như các nghề nuôi cá lồng, du lịch sinh thái... Đồng thời, huyện cũng quán triệt tinh thần muốn tạo việc làm cho người dân vùng DTTS phải nắm bắt được yếu tố đặc thù như tâm lý, văn hóa của đồng bào. 

Cần tiếp tục tạo sinh kế

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Na Hang cho biết, để giải quyết việc làm cho người dân TĐC một cách hiệu quả nhất, trước hết phải làm tốt công tác dân vận. 

Ông Chảnh phân tích, hiện nay, vùng TĐC của huyện Na Hang chủ yếu là vùng đồng bào DTTS với 12 thành phần dân tộc như Tày, Dao, Mông... Mỗi dân tộc lại có những đặc thù về văn hóa như tiếng nói, trang phục, sinh hoạt khác nhau, nên cần phải có cầu nối hiệu quả. Để làm được việc này, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện cũng như các phòng ban phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín tuyên truyền chính sách, pháp luật chung và chính sách về việc làm, đào tạo nghề nói riêng. Đồng thời, Người có uy tín cũng góp phần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để chuyển tải tới chính quyền. 

Theo đó, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân vùng lòng hồ đã từng bước được tháo gỡ. Tính riêng năm 2019, huyện Na Hang đã tạo việc làm cho 1.704 lao động, vượt 4,5% kế hoạch (trong đó xuất khẩu 60 lao động, vượt 200% kế hoạch) .

“Để giải quyết vấn đề việc làm một cách bền vững, thời gian tới, các cơ quan chức năng vẫn cần nghiên cứu tạo sinh kế mới phù hợp với người dân vùng lòng hồ. Chỉ khi nào người dân có việc làm ổn định các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội mới có thể được bảo đảm”, ông Chảnh cho biết thêm.