Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để kinh tế Cao Bằng “cất cánh”

Thùy Như - 09:11, 06/06/2023

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa kinh tế địa phương “cất cánh”

Một nét của huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)
Một góc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc. Mặc dù cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… Đặc biệt, trong mấy năm qua cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ “cơn bão Covid-19” khiến kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn và Cao Bằng cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, thách thức, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giúp kinh tế địa phương “cất cánh”.

Sản xuất nông sản đặc hữu cũng là hướng đi của tỉnh Cao Bằng
Sản xuất nông sản đặc hữu cũng là hướng đi của tỉnh Cao Bằng

Minh chứng là năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 5,04%; thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư công (đến đầu tháng 2/2023) đạt 65,2%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, du khách đến tham quan Cao Bằng đạt 1,1 triệu lượt người.

Tỉnh quyết liệt triển khai các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm đúng đối tượng và đạt hiệu quả, hỗ trợ người dân, người lao động trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gần 61 tỷ đồng, giảm 146,6 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và cho vay mới với lãi suất ưu đãi 1.501 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Mô hình liên kết sản xuất gừng tại huyện Hà Quảng giúp người dân bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm
Mô hình liên kết sản xuất gừng tại huyện Hà Quảng giúp người dân bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,29%. Tỉnh hoàn thành công tác hỗ trợ gần 8.000 nhà tạm, nhà dột nát; huy động được 168 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội...

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố và chú trọng. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Giống bò của đồng bào Mông ở Cao Bằng cần được phát triển.
Giống bò của đồng bào Mông ở Cao Bằng cần được phát triển nhân rộng để hỗ trợ người dân trong lĩnh vực chăn nuôi

Xác định 3 khâu đột phá

Với lợi thế về vị trí địa lý, những năm qua tỉnh Cao Bằng đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ở 3 lĩnh vực được xem là thế mạnh và có nhiều tiềm năng, đó là: Kinh tế biên mậu, nông - lâm nghiệp và du lịch.

Về lĩnh vực nông - lâm nghiệp: Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, căn cứ vào điều kiện thực tế để làm tốt công tác quy hoạch sản xuất. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa phục vụ các cơ sở chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt việc cụ thể hóa Đề án nông nghiệp thông minh, phát triển cây ăn quả, cây đặc sản đặc hữu, phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu… Trong đó, tỉnh đã ứng dụng công nghệ phục hồi và phát triển những giống cây ăn quả địa phương có giá trị kinh tế cao như: Lê (Thạch An), mận (Bảo Lạc), quýt (Trà Lĩnh)...

Nhiều nông sản đặc sản của Cao Bằng được chứng nhận sản phẩm OCOP
Nhiều nông sản đặc sản của Cao Bằng được chứng nhận sản phẩm OCOP

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tính tới hết quý I năm 2023, tổng đàn bò trên toàn tỉnh có 105.047 con (sản lượng thịt xuất chuồng tăng lên). Tổng đàn lợn ước tính 325.252 con (tăng 10.126 con so với năm trước). Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho gia súc được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo sát sao.

Đối với lâm nghiệp, Cao Bằng có diện tích rừng bao phủ lớn. Tỉnh luôn chú trọng công tác phát triển trồng và chế biến gỗ nhằm nâng cao thu nhập từ rừng và chế biến gỗ cho xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2023, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh ước tính đạt 266 ha (tăng 245% so với cùng kỳ năm trước).

Ở lĩnh vực du lịch: Cùng với sự phát triển kinh tế nói chung, đời sống của người dân ngày một nâng cao. Chính vì vậy, nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Nắm bắt được xu thế đó, những năm gần đây, Cao Bằng đang từng bước đẩy mạnh khai thác để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trưởng Ban Dân tộc Bế Văn Hùng, chủ trì cùng đoàn công tác của tỉnh, khảo sát khu tái định cư
Trưởng Ban Dân tộc Bế Văn Hùng chủ trì cùng đoàn công tác của tỉnh, khảo sát khu tái định cư

Để kinh tế Cao Bằng thực sự “cất cánh”

Tỉnh đã đặt ra chương trình phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương với việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư từ khi khảo sát, xin chủ trương đầu tư đến khi triển khai thực hiện và kết thúc dự án. Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Bên cạnh đó, Cao Bằng tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đời sống của người dân được nâng cao, trẻ em được đến trường học tập đầy đủ
Đời sống của người dân được nâng cao, trẻ em được đến trường học tập đầy đủ

Đồng thời đề xuất với Chính phủ, và các bộ, ngành Trung ương sớm cân đối, bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Xem xét, nâng cấp các cửa khẩu Trà Lĩnh, Lý Vạn, Pò Peo và công nhận lối mở Nà Lạn. Đặc biệt, đề nghị hỗ trợ tỉnh xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tạo điều kiện thông thương phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng vừa công bố Kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, do Ban Dân tộc tỉnh phụ trách, với hơn 7.499 tỷ đồng. Toàn bộ 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung thuộc Chương trình được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 5.776 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 288 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách (dự kiến) hơn 1.434 tỷ đồng.