Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Để cam Hà Giang không là nông sản giải cứu

Hiếu Anh - 21:41, 16/03/2020

Ngay từ đầu năm 2020, người dân Hà Giang đã phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi hơn hàng ngàn tấn cam rụng như suối. Hiện nay, ngoài giải pháp của chính quyền và người dân vẫn là “giải cứu nông sản”, những giải pháp lâu dài cũng đang được địa phương nghiên cứu triển khai…

Anh Trương Văn Ninh, người trồng cam thu hoạch những trái cam trong vườn đồi còn sót lại.
Anh Trương Văn Ninh, người trồng cam thu hoạch những trái cam trong vườn đồi còn sót lại

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, hiện nay nhiều tổ chức cho rằng, vì người dân tham đẩy giá cao nên giữ cam trên cành chờ được giá mới bán. Tuy nhiên, anh Trần Ngọc Nam, Chủ nhiệm HTX trồng cam ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang cho biết, việc thu hoạch cam muộn là điều ngoài ý muốn. Bởi trước tết Nguyên đán, vùng biên giới Việt - Trung gần như bị đóng bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Hơn nữa, đầu năm 2020 xảy ra hiện tượng mưa đá bất thường khiến cam bị rụng hàng loạt.

Không chỉ tắc nghẽn đầu ra, hiện nay đầu vào sản xuất cam cũng còn nhiều hạn chế. Anh Trần Ngọc Nam cho biết thêm, HTX của anh có 12 hội viên là những người cùng địa phương với trên 100ha trồng cam. Về quy trình trồng cam đều do anh và một số thành viên tự lên mạng tự mầy mò tham khảo. Về giống, phân bón thuốc trừ sâu cũng tương tự. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cho cam của người dân chưa đạt được hiệu quả cao, cũng như chưa có thương hiệu tốt.

Để cam Hà Giang không trở thành nông sản giải cứu, chính quyền địa phương và người dân cũng tích cực tìm kiếm mô hình thích hợp trong giai đoạn mới. Trong đó, mô hình “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm” do Huyện đoàn Bắc Quang, Quang Bình phối hợp với các chủ vườn và Công ty Vinacert xây dựng được kỳ vọng sẽ trám được lỗ hổng trong việc sản xuất các sản phẩm địa phương nói chung và cam nói riêng.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinaCert nhấn mạnh, sở dĩ từ trước đến nay, nhiều nông sản ở miền núi cứ đến thu hoạch lại phải tìm cách giải cứu vì chúng ta chưa đánh giá sâu theo chuỗi giá trị. Sản phẩm cam ở Hà Giang cũng vậy, hiện nay, người dân vẫn mạnh ai người ấy làm, từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch cho đến đầu ra của sản phẩm.

Mô hình “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm” đang được triển khai với nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó có cam sành ở 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình. Theo đó, mô hình sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng là các chủ vườn cam. Từ hệ thống này, các chuyên gia ở Hà Nội sẽ giúp các chủ vườn kỹ thuật trồng trọt, theo mô hình VietGAP như, hoạch định mô hình sản xuất, sử dụng vật tư phù hợp, đúng chất lượng và hướng dẫn cách truyền tải thông tin đến người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, mô hình cũng sẽ chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm tại Hà Nội, mà trước mặt là tại quận Hoàng Mai…

Chị Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang, đánh giá rất cao mô hình “Tuổi trẻ với chuỗi An toàn thực phẩm”. Đây là một mô hình có ý nghĩa nhằm thay đổi căn cơ suy nghĩ của thanh niên vùng DTTS theo hướng phát triển theo chuỗi sản phẩm một cách bền vững. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền để các thanh niên trong huyện tích cực tham gia hưởng ứng.

Đây là một mô hình mới hứa hẹn nhiều điểm sáng trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên. Do đó, huyện Quang Bình sẽ tích cực xây dựng thật tốt mô hình trở thành hạt nhân thúc đẩy phong trào tại địa phương.”

Ông Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quang Bình