Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đề án 174: Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ

PV - 09:28, 07/09/2018

Từ năm 2010, Bộ Quốc phòng đã triển khai Dự án tăng cường trí thức trẻ đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng theo Quyết định 174/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 174). Sau 8 năm, Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích tinh thần xung kích của tuổi trẻ.

tinh thần xung kích Chiến sĩ Đoàn 356 cùng Đội trí thức trẻ tình nguyện cùng bà con kiểm tra kết quả trồng giống lúa LC tại bản Hoang Thèn, xã Dào San, Phong Thổ (Lai Châu).

Góp sức xây dựng vùng khó

Là xã ĐBKK của huyện Phong Thổ (Lai Châu), Dào San có 7,5km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, dân số 100% là đồng bào DTTS. Trước đây, bà con chỉ trồng 1 vụ lúa, ngô, sắn theo lối canh tác truyền thống, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, tỷ lệ mù chữ và tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2010, chỉ tính theo tiêu chí về thu nhập (chuẩn nghèo đơn chiều) thì tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 75%.

Theo ông Ma A Nủ, Phó Chủ tịch UBND xã Dào San, những năm qua, cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, xã Dào San được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 (Quân khu 2) “trợ sức” rất kịp thời. Nhờ đó, các điểm trường, điện lưới, đường giao thông, trạm y tế quân dân y,… ở Dào San đã được đầu tư xây dựng.

Trên địa bàn xã, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 đã tổ chức 3 Đội sản xuất; các Đội vừa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, vừa hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Đoàn đã cử những trí thức trẻ tình nguyện về các Đội sản xuất; họ là những người trẻ năng nổ giúp đỡ bà con trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, tham gia xóa mù chữ,…

Ông Ma A Nủ bảo, công việc của Đội ngũ trí thức trẻ ở các Đội sản xuất rất vất vả và bận rộn, khi là thầy dạy chữ, khi là tuyên truyền viên, khi lại là cán bộ hướng dẫn dân trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường… Việc đưa lực lượng trí thức trẻ về các địa bàn khó khăn như Dào San là thật sự cần thiết và hữu ích.

Như trường hợp Phan Thị Trướng, dân tộc Thái, quê ở huyện Sìn Hồ, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Cộng Đồng Lai Châu, năm 2016, Trướng đã tình nguyện theo Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 vào Dào San. Trướng được phân công vào Đội sản xuất số 3; sau hai năm gắn bó với Dào San, đến tháng 12 này, Trướng sẽ kết thúc nhiệm vụ tình nguyện ở vùng khó khăn này.

Trướng bảo, ban đầu, còn bỡ ngỡ mơ hồ, không biết phải làm những công việc gì. Được sự quan tâm hướng dẫn từ các chiến sĩ Đoàn 356 cùng sự yêu mến của bà con, công việc dù có vất vả, Trướng luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng để tiếp tục những công việc ý nghĩa đó.

“Mặc dù, phải làm nhiều công việc với các vai trò khác nhau không đúng những gì tôi đã được học nhưng điều đó không làm tôi nản lòng mà khiến tôi yêu và thương bà con hơn. Thật sự, ngay lúc này, tôi rất buồn khi sắp hết đợt tình nguyện của mình”, Trướng chia sẻ.

tinh thần xung kích Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 356 cùng Đội trí thức trẻ tình nguyện hướng dẫn bà con trồng lúa nước tại bản Hoang Thèn, xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Tuổi trẻ là xung kích

Phan Thị Trướng là một trong hàng chục trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 174/QĐ-TTg, ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án do Bộ Quốc phòng chủ trì. Trên địa bàn huyện Phong Thổ, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 được giao nhiệm vụ triển khai dự án.

Đại tá, Lý Khò Xá, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356, cho biết, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã tổ chức 4 đợt tuyển trí thức trẻ tham gia Dự án; mỗi đợt tuyển 20-25 người để phân công về các địa bàn khó khăn, các trí thức trẻ sẽ hoạt động tình nguyện trong thời gian 2 năm.

Theo Đại tá Lỳ Khò Xá, sau thời gian thực hiện Dự án, Đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy sự nhiệt tình của tuổi trẻ cũng như những kiến thức đã học để giúp đỡ bà con.

“Đội tri thức trẻ tình nguyện đã cùng cán bộ Quân y của Đoàn phối hợp với y tế địa phương khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 342 lượt người; cấp cứu chuyển tuyến cho 31 ca đảm bảo an toàn; cho 269 trẻ mầm non và tiểu học uống Vitamin A; phòng chống sốt rét cho 354 lượt người; tuyên truyền kiến thức bảo vệ rừng cho 35 hộ; hướng dẫn làm nhà vệ sinh cho 41 hộ,..”, Đại tá Xá, cho biết.

Giai đoạn 2018-2020, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 cũng đã tiến hành nhận hồ sơ ứng tuyển đợt 5 của các trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án. Dự kiến đến tháng 12 này, đợt trí thức trẻ mới sẽ về các địa bàn khó khăn công tác.

Anh Lỳ Gạ Che, vừa tốt nghiệp Trung cấp Y Thái Nguyên, là một trong những trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án giai đoạn 2018-2020, Che cho biết: “Là người con của Lai Châu, tôi luôn mong sẽ có cơ hội được đóng góp công sức của mình để phục vụ quê hương, giúp đỡ bà con của mình. Chính vì vậy, ngay khi biết thông tin xét tuyển trí thức trẻ tình nguyện, cảm thấy phù hợp với nguyện vọng, tôi không chút đắn đo mà đăng ký ngay. Hiện giờ, tôi rất vui, hào hứng mong chờ kết quả xét tuyển từng ngày, hy vọng tôi sẽ có cơ hội được chọn”.

Chia sẻ của Lỳ Gạ Che cũng là tâm lý chung của các trí thức trẻ tình nguyện tham gia Dự án. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những trí thức tình nguyện đang cùng với các đơn vị kinh tế quốc phòng phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng-an ninh ở những nơi phên dậu của Tổ quốc.

Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020, nhằm mục tiêu phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong việc tham gia giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ. Đồng thời tạo việc làm và môi trường để trí thức trẻ vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, qua đó khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác. Mặt khác, thông qua Dự án, đề xuất chủ trương, giải pháp và hoàn thiện chính sách thu hút và sử dụng lực lượng trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế-xã hội nơi khó khăn, vùng biên giới.

HOÀI DƯƠNG