Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG: Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai (Bài 1)

Nhóm Phóng viên - 17:53, 15/03/2023

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG) bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Tuy nhiên, khối lượng công việc lớn, tiến độ thời gian gấp rút… cùng với những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, đang khiến nhiều địa phương lúng túng. Để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả Chương trình, cần có sự vào cuộc gỡ khó của các bộ, ngành và địa phương.

Có cơ chế chính sách rõ ràng, có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, có nguồn vốn phân bổ kịp thời theo từng giai đoạn… luôn là những điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG. Thế nhưng, trên thực tế triển khai, nhiều địa phương vẫn kêu khó. Vì sao?

Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG sẽ tác động tích cực đến đời sống KT-XH của đồng bào các DTTS.
Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG sẽ tác động tích cực đến đời sống KT-XH của đồng bào các DTTS

Đau đầu vì đơn giá…

Dự án 1 thuộc Quyết định 1719/QĐ-TTg về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản suất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG nêu rõ: Với những hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) chưa có đất ở, chưa có nhà ở tạm, dột nát, được hỗ trợ đất ở, xây dựng ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Trên cơ sở này, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình MTQG. Theo đó, mức hỗ trợ đối với đối tượng được thụ hưởng, triển khai các nội dung hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất tối đa 40 triệu đồng/hộ, bảo đảm tiêu chí 3 cứng. 

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, nhất là địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn khó thực hiện. Ông Phạm Văn Hòa - Phó Phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bày tỏ: “Kỳ Sơn là huyện là vùng cao, khó khăn bậc nhất cả nước, suất đầu tư để làm nhà theo tiêu chí 3 cứng cần lớn hơn rất nhiều so với vùng khác. Do đó, mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng để làm nhà mới chỉ làm được phần mái, còn những phần khác không thể thực hiện được…”.

Còn tại Minh Hóa - huyện biên giới của tỉnh Quảng Bình cũng tương tự huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ông Bùi Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, định mức 40 triệu đồng cho mỗi hộ làm nhà ở nhưng phải bảo đảm tiêu chí 3 cứng gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng là rất khó làm, vì đơn giá vật liệu tăng, chi phí nhân công tăng… Theo đó, mức hỗ trợ 40 triệu đồng để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép cũng khó thực hiện, bởi khi đến chỗ ở mới, người dân cũng phải làm nhà, san nền…

Không chỉ gặp khó khi thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững cũng đang gặp nhiều vướng mắc ở các địa phương. Ghi nhận tại tỉnh Lai Châu cho thấy, với mức hỗ trợ trồng rừng phòng hộ của Chương trình là 30 triệu đồng/ha và trồng rừng sản xuất là 10 triệu đồng/ha, trong khi mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Lai Châu đều cao hơn, lần lượt là 40 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng/ha. Với mức chênh lệch hỗ trợ như vậy không thu hút được người dân đăng ký tham gia trồng và bảo vệ rừng phòng hộ theo Chương trình MTQG

Thiếu định mức cụ thể

Không chỉ đơn giá hỗ trợ các hạng mục của từng tiểu dự án thấp hơn so với thực tế triển khai ở cơ sở, mà đời sống người dân khó khăn, không tìm được vốn đối ứng, ngân sách huyện hạn hẹp, nên nhiều địa phương chưa có định mức cụ thể để “chi” số tiền cấp trên phân bổ về theo từng dự án, hạng mục.

Ở vùng Tây Nguyên, tiến độ giải ngân thực hiện Chương trình chậm và không thể thực hiện được là do vướng mắc về tiêu chí định mức, định giá cụ thể. Huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là một ví dụ điển hình. Mặc dù nguồn vốn của Chương trình đã được phân bổ về địa phương, nhưng đến thời điểm hiện tại, huyện mới chỉ giải ngân được một số nội dung về kinh phí tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phổ biến, giáo dục pháp luật, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy. Còn một số vốn thuộc nội dung khác đã phân khai, nhưng chưa giải ngân được do còn vướng mắc về tiêu chí định mức, định giá cụ thể.

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Định mức định giá về cấp bò giống thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3 chưa cụ thể, trong khi chúng tôi cần định giá cụ thể cho 1 con bò là bao nhiêu tiền? Con bò giống đó nặng bao nhiêu kg? Hay như việc cấp đất sản xuất, đất ở…, mỗi hộ dân, nhân khẩu được nhận bao nhiêu diện tích thì cũng chưa nêu rõ, nên người dân vẫn đang phải chờ.

Thiếu quy định chi tiết về định mức, cũng là bài toán khó giải ở Lào Cai. Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho rằng: Định mức hỗ trợ trong sắp xếp dân cư chưa có quy định cụ thể về định mức điều chỉnh đất ở và định mức điều chỉnh đất sản xuất, giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý, cấp phát, thụ hưởng, nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 3) thì việc phân bổ vốn không đồng đều giữa các năm trong khi nhu cầu bảo vệ rừng hằng năm cơ bản ít biến động gây khó khăn trong quá trình phân bổ thực hiện...

Với những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, nếu không kịp thời có những giải pháp tháo gỡ từ cấp có thẩm quyền thì việc thực hiện Chương trình khó đạt theo mục tiêu đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).