Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Phòng, chống bạo lực gia đình khu vực miền núi, vùng DTTS

Hoàng Quý - 19:55, 14/06/2022

Chiều 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp ngày 27/5, Chính phủ đã có Tờ trình trình Quốc hội. Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ vào ngày 31/5. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ.

Tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các vấn đề khác như: Các quy định về hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; biện pháp tránh tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã…

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Một số đại biểu cho rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần: Có cơ chế đảm bảo khả thi cho các quy định trong dự thảo Luật; Quy định rõ về chủ thể, đối tượng của khái niệm “bạo lực gia đình”; Mở rộng phạm vi, nội dung mới nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc; Bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng; Hoàn thiện các quy định về cơ chế, cách thức xử lý phù hợp với từng loại hành vi bạo lực gia đình; Quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình…

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa): Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Đại biểu Võ Mạnh Sơn chỉ ra rằng nhiều năm qua, bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra phức tạp, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cũng chi rõ, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân và các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở khu vực này là rất cần thiết.

Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lăk
Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lăk

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk): Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Đại biểu Lưu Văn Đức cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp, gián tiếp như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Theo đại biểu các văn bản quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi sâu vào chiều sâu, tình trạng bạo lực gia đình chưa có nhiều thay đổi, hơn thế nữa, tình trạng này đang dần trở thành hiện tượng đáng báo động của xã hội, là một vấn nạn nhức nhối, nan giải Việt Nam.

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về số liệu, thực trạng tình hình bạo lực gia đình tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định ưu tiên của Nhà nước trong phòng ngừa, giải quyết bạo lực gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở từng vùng, miền.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội đã làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, có 21 ý kiến phát biểu, 6 ý kiến tranh luận. Bộ phận thư ký đã ghi chép, ghi âm đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.