Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn từ sự kiện hội tụ tinh hoa văn hoá các dân tộc ở Gia Lai

Ngọc Thu - 22:35, 07/11/2022

Gia Lai là một trong những địa phương có nhiều dân tộc sinh sống nhất cả nước (44 dân tộc), tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số. Bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc ở Gia Lai được thể hiện rõ nét nhất qua các lễ hội, sự kiện văn hóa. “Ngày hội di sản và Tuần lễ văn hóa - ẩm thực năm 2022”, vừa diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/11, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, là một trong những minh chứng cho sự hội tụ tinh hoa văn hóa các dân tộc trên địa bàn Gia Lai

Màn trình diễn cồng chiêng đặc sắc của các nghệ nhân dân tộc Gia Rai
Màn trình diễn cồng chiêng đặc sắc của các nghệ nhân dân tộc Gia Rai

Rực rỡ sắc màu văn hoá các dân tộc

“Ngày hội di sản và Tuần lễ văn hóa - ẩm thực năm 2022”, chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, đưa du khách trở về tuổi thơ, với những trò chơi dân gian như: đánh quay, ném còn, nặn tò he, chơi ô ăn quan, cõng nước về làng… Xem các nghệ nhân của cố đô Huế biểu diễn múa rối nước, rối cạn, rối điện; thưởng thức nghệ thuật trình diễn trà đạo, viết thư pháp, bút lửa từ những nghệ nhân, du khách càng thêm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. 

Đặc biệt, đơn vị tổ chức đã dày công sưu tầm, trưng bày các đồ dùng thời bao cấp như bàn ghế, khăn trải bàn con công, tủ, đài cassette, tem phiếu… Cũng tại đây, đã tái hiện hình ảnh các hoạt động sinh hoạt thường ngày, buôn bán của người dân những ngày đầu đất nước được thống nhất năm 1975.

Anh Lưu Hồng Sơn (gian hàng Bảo tàng tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Mình tái hiện gian hàng nhỏ để giới thiệu cuộc sống người dân thời bao cấp, với những dấu ấn đậm nét trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam nói chung và người Gia Lai nói riêng. Thông qua những kỷ vật, hình ảnh ký ức thời bao cấp được khơi gợi trong mỗi người dân. Chúng tôi mong muốn, giúp khách tham quan được sống lại trong không gian ngập tràn ký ức về một thời vất vả mà bình dị, chan chứa tình người.

Gian hàng tái hiện hình ảnh các hoạt động sinh hoạt thường ngày, buôn bán của người dân thời bao cấp
Gian hàng tái hiện hình ảnh các hoạt động, sinh hoạt thường ngày và buôn bán của người dân thời bao cấp

Đặc biệt, trong không gian xanh mát rợp bóng cây, các nghệ nhân được thoả sức trình diễn nghệ thuật dân gian như: Trống trận Tây Sơn; trình diễn Cồng chiêng; biểu diễn múa khèn, thổi sáo của người Mông; biểu diễn múa rối nước của Nhà hát Múa rối Huế; hòa tấu nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng và đàn T’rưng, đàn đá…); múa xòe của người Mường (Hòa Bình); hát Then, đàn tính của người Tày, Nùng (Cao Bằng); múa sạp (nghệ nhân người Tày, Thái)…

Lắng nghe tiếng khèn “mở đầu” cho các chương trình lễ hội của nghệ nhân người Mông Lý Văn Tu (xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ), du khách bỗng thấy lòng hân hoan đến lạ. Và càng cảm phục khi biết, bao năm qua, người đàn ông dân tộc Mông này, vẫn luôn trân trọng giữ gìn điệu khèn mang từ Cao Bằng lên Tây Nguyên. 

Anh Lý Văn Tu chia sẻ: “Mình biết thổi khèn Mông từ khi 15 tuổi. Sau đó lên Gia Lai sinh sống, mình vẫn giữ nguyên vẹn tiếng khèn Mông cho đến bây giờ. Mình rất tự hào và tự tin khi giới thiệu văn hoá người Mông với mọi người để cùng thưởng thức”.

Nghệ nhân người Mông biểu diễn thổi khèn
Nghệ nhân người Mông biểu diễn khèn tại sự kiện

Giao lưu và trải nghiệm

Đặc biệt, tuần lễ văn hóa ẩm thực, có nhiều chương trình hấp dẫn, với sự tham gia của 30 gian hàng, giới thiệu đến du khách những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nhiều vùng miền, như gà nướng, cơm lam, cà đắng, lá mì…; cùng những món ăn đường phố đã mang đến cho du khách một bữa tiệc nhiều màu sắc, hương vị, thỏa sức trải nghiệm. 

Đặc biệt, những món ăn mang đậm hương vị của vùng Tây Bắc như thắng cố, mèn mén, bánh gio…cũng mang đến cho du khách nhiều thú vị bất ngờ giữa ẩm thực của 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Những gian hàng bày bán món ăn mang đậm hương vị vùng Tây Bắc
Những gian hàng bày bán món ăn mang đậm hương vị vùng Tây Bắc

Đối với chị Yưt, dân tộc Gia Rai, làng Plei Choét Ngon (TP. Pleiku), lễ hội chính là dịp để giới thiệu hình ảnh, con người Gia Rai nơi Phố núi Pleiku. Bên cạnh đó, chị còn được thưởng thức ẩm thực vùng Tây Bắc, với những món ăn độc lạ như mèn mén, xôi ngũ sắc, thắng cố… 

Chị Yưt bày tỏ: “Mình rất bất ngờ khi được thưởng thức các món ăn của vùng Tây Bắc. Các món ăn được chế biến công phu và tẩm ướp những loại gia vị khác hẳn người Gia Rai. Sau khi ăn, mình đã mua về để cho người thân trong làng cùng thưởng thức. Đồng thời, mời các bạn vào gian hàng thổ cẩm của mình để tìm hiểu về dệt thổ cẩm cùng các sản phẩm đặc sắc của người Gia Rai quê mình”.

Chị Yưt (dân tộc Gia Rai, Tp. Pleiku) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến du khách
Chị Yưt (dân tộc Gia Rai, Tp. Pleiku) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến du khách

Được hoà mình cùng vòng xoang nhịp nhàng trong vũ điệu cồng chiêng của người Gia Rai, chị Hoàng Thị Vương, dân tộc Mông, xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) hào hứng cho biết: “Tôi vô cùng thích thú khi được tham gia Ngày hội di sản và Tuần lễ văn hóa - ẩm thực năm nay. Ở đây có nét văn hoá mới lạ mà tôi cần học hỏi như múa xoang, đánh cồng chiêng của người Gia Rai. Tôi thấy rất ấn tượng và mong muốn có thêm nhiều lần được trải nghiệm văn hoá đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên”.

Trong Ngày hội đa sắc màu, những em học sinh của Trường Trung học cơ sở Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) cũng rất háo hức, chăm chú xem các cô chú người Mông trình diễn múa khèn, thổi sáo. Bên cạnh, một tốp học sinh đang thích thú trải nghiệm nhảy sạp. Từng cô người Thái hướng dẫn các em nhảy sao cho uyển chuyển, nhẹ nhàng, đúng nhịp để chân không bị kẹp vào cặp sạp làm bằng tre.

Học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nghệ nhân dân tộc Mông
Học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn nghệ nhân dân tộc Mông

Em Lê Tấn Dũng (lớp 6/12A, Trường Trung học cơ sở Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku) phấn khởi nói: “Lần đầu tiên, em được nhà trường dẫn đi trải nghiệm văn hoá các dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, em rất hồi hộp. Khi được trực tiếp tham gia cùng các cô chú múa khèn, nhảy sạp, em cảm thấy rất vui và biết thêm nhiều về văn hoá các dân tộc Việt Nam mình. Em thấy buổi ngoại khoá hôm nay rất thú vị và bổ ích đối với bản thân”.

Ngày hội chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào giá trị di sản văn hoá các dân tộc, mà còn tạo động lực, khích lệ các thế hệ ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. 

Thanh thiếu niên tham gia trải nghiệm nhảy sạp cùng các nghệ nhân dân tộc Mường
Thanh thiếu niên tham gia trải nghiệm nhảy sạp cùng các nghệ nhân dân tộc Mường

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: Chương trình Ngày hội được xây dựng theo hướng đổi mới, đa dạng và phong phú, kết hợp các hoạt động trình diễn trải nghiệm các hình thức nghệ thuật, trò chơi dân gian, văn hoá ẩm thực… của các dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu giao lưu, giải trí của Nhân dân. Đồng thời, quảng bá về hình ảnh đất và người Gia Lai thông qua những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn đến với du khách thập phương.