Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dấu ấn của “Xứ sở Kim chi” trên miền “đất lửa” Quảng Trị

Thi Thi - 06:49, 21/12/2022

Trải qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022), các doanh nghiệp, tổ chức của Hàn Quốc đã và đang có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh Quảng Trị của Việt Nam. Những dấu ấn của "Xứ sở Kim chi" trên miền “đất lửa” Quảng Trị càng thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác bền chặt của hai nước.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Dấu ấn của “Xứ sở Kim chi” trên miền “đất lửa” Quảng Trị

Dấu ấn nơi xã nghèo biên giới

Xã Thuận nằm phía nam huyện Hướng Hóa, có chung đường biên giới 10 km với nước bạn Lào. Từ năm 2010, xã Thuận là một trong 8 xã được tỉnh chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Do xuất phát điểm thấp, tính đến hết năm 2013, đạt 11 tiêu chí và 5 tiêu chí gần đạt, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 còn 14,2% (chuẩn nghèo đơn chiều).

Một trong những nguyên nhân được xác định, là do năng lực điều hành, quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương còn hạn chế. Cùng với đó, là tính chủ động, tư duy, năng lực sản xuất của người dân chưa đồng đều, nguy cơ tái nghèo đối với nhiều hộ vẫn còn cao; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn ở một bộ phận người dân.

Hàn Quốc được gọi là “Xứ sở Kim chi", xuất phát từ một món ăn ở nước này, là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc - một nét văn hoá ẩm thực gắn bó lâu đời. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tuyên bố Kim Chi là một Quốc bảo.

Tháng 12/2013, xã Thuận được tiếp nhận sự hỗ trợ từ Chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”. Đây là một chương trình thiết thực nhằm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam (1992 - 2012). Chương trình có mục tiêu dài hạn là nhằm hỗ trợ giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương dựa trên mô hình phát triển NTM. Chương trình có tổng mức đầu tư 11,6 triệu USD (khoảng 246 tỷ đồng); trong đó Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại là 9,6 triệu USD (khoảng 203 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2017.

Ngoài xã Thuận của huyện Hướng Hóa, thì có 6 xã khác trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp nhận chương trình này. Theo đó, chương trình thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, trường học; xây dựng và nâng cấp hệ thống truyền thông, truyền thanh FM, điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất và thu nhập qua việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, giống cây con; xây dựng, nâng cấp trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã.

Chương trình cũng dành riêng một hợp phần để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động nông nghiệp có tri thức và có tay nghề, có năng lực sáng tạo và kết nối cộng đồng trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như tham gia xây dựng NTM.

Với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đồng bào các dân tộc ở xã Thuận đã chuyển đổi từ phương thức canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa” sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đồng bào các dân tộc ở xã Thuận đã chuyển đổi từ phương thức canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa” sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Cùng với các nguồn lực khác và sự hỗ trợ từ Chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”, xã Thuận đã có những bước đột phá trong xây dựng NTM; đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của xã đạt 16,6 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38,92% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Đặc biệt là bà con đã chuyển đổi từ phương thức canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa” sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2022, toàn xã đã có 499 ha sắn, 486 ha chuối, 54,1 ha cao su, 10 ha cà phê, 39,5 ha ngô... Đàn trâu, bò của xã cũng đã lên 748 con, 516 con lợn, 868 con dê, hơn 6.700 con gia cầm các loại.

Nhiều chương trình thiết thực

Chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” được triển khai ở xã Thuận, cùng với 6 xã khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là sự tiếp nối thành quả từ Dự án Hỗ trợ xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh) được Hàn Quốc tài trợ từ năm 2001.

 Ngoài ra, trong giai đoạn 2001 – 2022, theo số liệu của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, các tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ cho tỉnh Quảng Trị nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai... Tổng vốn thực hiện các chương trình, dự án này khoảng 25 triệu USD. Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 ở Quảng Trị, thông qua KOICA, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 300.000 USD cứu trợ khẩn cấp cho các người dân.

Trong các chương trình, dự án được Hàn Quốc tài trợ ở Quảng Trị phải kể đến Dự án “Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2012 - 2020, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Dự án đã giúp phát triển mạng lưới 10 phòng phục hồi chức năng cộng đồng, cùng với nhiều kỹ thuật mới trong hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Từ Dự án “Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2012 - 2020, bình quân mỗi ngày có hơn 160 trẻ khuyết tật ở Quảng Trị được khám và điều trị, phục hồi chức năng.
Từ Dự án “Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2012 - 2020, bình quân mỗi ngày có hơn 160 trẻ khuyết tật ở Quảng Trị được khám và điều trị, phục hồi chức năng.

Dự án triển khai, bình quân mỗi ngày có hơn 160 trẻ khuyết tật được khám và điều trị, phục hồi chức năng. Các tình nguyện viên từ Hàn Quốc đã đến hơn 1.200 gia đình có trẻ khuyết tật để thăm khám và hướng dẫn phục hồi chức năng.

Gần đây nhất là Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh tại TP. Đông Hà đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi động. Đây là dự án được KOICA, Tổ chức Y tế Vì hòa bình (Medipeace) của Hàn Quốc tài trợ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 293 tỷ đồng; trong đó KOICA viện trợ không hoàn lại trên 277 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh; dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023.

Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh QuảngTrị, triển khai dự án, tỉnh sẽ xây dựng Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật theo mô hình Viện Phúc lợi xã hội Seoul của Hàn Quốc. Đây là dự án mang tính nhân văn, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, phát huy năng lực bản thân, cống hiến cho xã hội; đảm bảo người khuyết tật được nhận dịch vụ phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng toàn diện.

Cùng với hỗ trợ an sinh, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tích cực đầu tư vào Quảng Trị. Riêng tại Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư các dự án: Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư gần 54 nghìn tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào các năm 2026-2027; Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng;…