Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Đất sống" cho trò chơi dân gian ở vùng đồng bào DTTS

Văn Hoa - 10:43, 11/11/2023

Trò chơi dân gian của các DTTS có tác dụng gắn kết cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, tạo không khí sôi nổi phấn khởi, giáo dục tinh thần kỷ luật đối với người tham gia.

Một buổi ngoại khóa với các trò chơi dân gian tại Trường PTDTBT THCS xã cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)
Một buổi ngoại khóa với các trò chơi dân gian tại Trường PTDTBT THCS xã cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Gắn kết cộng đồng 

Vào mỗi dịp lễ Tết, cộng đồng người Sán Dìu dưới chân núi Tam Đảo lại tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống vui nhộn. Mỗi một làng tổ chức một ngày khác nhau để đảm bảo ai cũng có thể dự hội khắp các làng. Một trong số các trò chơi dân gian được yêu thích là môn đấu vật (dành cho thanh niên, nam nữ trong làng và giải mở rộng cho các thanh niên trong vùng, nhiều làng còn tổ chức giải trẻ em); kéo co thi đấu giữa làng với làng và các làng với nhau; môn bắt vịt; môn đập niêu; môn thi đấu cờ, bắn nỏ…. Có thể thấy, các môn thi đấu, các trò chơi dân gian phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, giúp cộng đồng người Sán Dìu thêm gắn kết hơn với nhau nhiều hơn.

Cháu Trần Xuân Trường, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bày tỏ, mỗi dịp Tết, cháu đều mong đợi đến ngày hội làng, vì ở đây cháu được chơi nhiều trò chơi hấp dẫn, thú vị với các bạn. Trong các trò chơi, cháu thích nhất là đập niêu. 

Ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng rất linh hoạt để có thể tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống. Một số địa phương còn vận động xã hội hóa, xây dựng sân bãi phục vụ cho việc tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên; một số địa phương còn lồng nghép các trò chơi dân gian qua các buổi hoạt động ngoại khóa tại nhà trường.

Các trò chơi dân gian có sức hút đặc biệt với giới trẻ
Các trò chơi dân gian có sức hút đặc biệt với giới trẻ

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), ngôi trường có 100% học sinh là người dân tộc Mông. Những năm qua, nhà trường chú trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có có các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc vào các hoạt động ngoại khóa, qua đó từng bước năng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống, nâng cao thể chất, giúp các em thêm yêu văn hoá truyền thống của dân tộc.

Một số môn thể thao truyền thống dân tộc mà các em học sinh rất yêu thích như: Kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy dây, ném ngô vào quẩy tấu... Qua các trò chơi dân gian vui nhộn, giúp các em học sinh tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần sau những giờ học căng thẳng.

Qua các trò chơi dân gian giúp học sinh thêm hiểu và yêu hơn văn hóa dân tộc của mình. Mô hình lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gan vào các buổi ngoại khóa đang rất thành công tại Trường PTDTBT THCS xã cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)
Qua các trò chơi dân gian giúp học sinh thêm hiểu và yêu hơn văn hóa dân tộc của mình. Mô hình lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gan vào các buổi ngoại khóa đang rất thành công tại Trường PTDTBT THCS xã cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Em Thò Thị Di, lớp 8A1 kể: Trong các hoạt động, sinh hoạt văn hóa ở trường, tất cả chúng em đều thích tham gia các trò chơi dân gian. Được thầy cô bảo ban, chúng em cũng đã hiểu được việc quan trọng phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và có trách nhiệm lan tỏa, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đến với mọi người.

Sức hút trong phát triển du lịch

Có thể thấy, các trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc. Mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau, nhưng tựu chung đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân và tăng cường đoàn kết cộng đồng. Nhiều địa phương đã vận dụng các trò chơi như một sản phẩm du lịch, tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại các lễ hội tạo được dấu ấn đặc biệt với du khách
Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại các lễ hội tạo được dấu ấn đặc biệt với du khách

Nếu ai có dịp đến tham dự lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai (xã Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang), thì chắc chắn rằng, đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Bởi, ở đó, du khách sẽ được giao lưu và tiếp thu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc qua câu chuyện tình yêu đầy cảm động.

 Đặc biệt, tại phiên chợ, du khách sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi leo cột chinh phục tình yêu, thi tung còn giao duyên, thi đánh yến, thi ném pao, thi địu nước, thi bắn nỏ, thi bịt mắt bắt vịt, thi giã bánh giày... Nhờ đó mà, huyện Mèo Vạc đã đón hơn 10.200 lượt người đến tham dự các hoạt động tại lễ hội.

Tổ chức các trò chơi dân gian tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên năm 2023
Các trò chơi dân gian được huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chú trọng tổ chức trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông

Hiện nay, không chỉ riêng huyện Mèo Vạc, tại nhiều địa phương, nhất là các điểm du lịch cộng đồng, các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các DTTS được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, đại đa số các lễ hội ở vùng DTTS đều bố trí các trò chơi dân gian, thậm chí nhiều nơi còn tổ chức thi đấu, tạo nên dấu ấn riêng có, đậm dấu ấn vùng cao và đặc biệt có sức hút đối với khách du lịch.

Cần "đất sống" cho trò chơi dân gian 

Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, trong đời sống hiện nay, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa với những trào lưu văn hóa mới, những hình thức giải trí mới, các trò chơi dân gian cũng có nguy cơ biến mất, thay thế vào đó là các trò chơi mới được du nhập không phù hợp với văn hóa, thể chất của người DTTS nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

Các trò chơi dân gian được bố trí tinh tế, hài hòa tại các điểm du lịch, tạo được dấu ấn đặc biệt với mỗi du khách xa gần. Trong ảnh là Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang)
Các trò chơi dân gian được bố trí tinh tế, hài hòa tại các điểm du lịch, tạo được dấu ấn đặc biệt với mỗi du khách xa gần. (Trong ảnh: Các em nhỏ thích thú cùng nhau chơi trò bập bênh tại Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang )

Theo đó, nhiều người đã đắm chìm vào các trò chơi ảo trên mạng internet (game trực tuyến) dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Gần đây đã có rất nhiều trường hợp trở thành sát thủ do ảo giác; nhiều trẻ em về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế khi bị nghiện game sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, làm cho sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần...

Có thể nói, các trò chơi dân gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ. 

Vì vậy, để các trò chơi dân gian có đất sống, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc nói chung, trò chơi dân gian nói riêng, phải được xác định là vấn đề quan trọng cần các tổ chức đoàn thể, chính quyền, nhất là cán bộ chuyên ngành và từng cá nhân, gia đình quan tâm duy trì tổ chức và tham gia...