Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao Bằng: Khai thác văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

Hoàng Quý - 15:13, 26/02/2020

Từ xưa đến nay, những trò chơi dân gian của các dân tộc luôn mang giá trị tinh thần, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Chính vì thế, thời gian gần đây, tỉnh Cao Bằng đang tích cực đưa các trò chơi dân gian vào phục vụ phát triển du lịch để thu hút du khách, tạo điểm mới lạ, hấp dẫn, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.

Trẻ em người DTTS ở Cao Bằng tham gia trò chơi nhảy dây
Trẻ em người DTTS ở Cao Bằng tham gia trò chơi nhảy dây

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một số loại hình du lịch tiêu biểu như: Du lịch lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… Nhằm khai thác tối đa lợi thế, Cao Bằng đã tập trung xây dựng các bản, làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là loại hình du lịch homestay. Đến với các khu du lịch này, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, múa sạp, bắn nỏ, đi cà kheo…

Chị Lã Thị Ngân (du khách Hà Nội) chia sẻ: Cùng gia đình đến với du lịch homestay ở đây, chúng tôi đã khám phá phong cảnh hữu tình, tìm hiểu các phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây, cùng chơi những trò chơi dân gian của người dân địa phương. Thú vị nhất với tôi có lẽ là điệu nhảy sạp. Chúng tôi đã luân phiên nhau múa hoặc đập sạp. Đây thật sự là một kỷ niệm đáng nhớ đối với gia đình tôi”. 

Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia (huyện Nguyên Bình) cho biết, để thu hút du khách, cũng như quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương, Ban Quản lý Khu du lịch đã chọn đưa các trò chơi dân gian vào khu du lịch của mình. Theo đó, mỗi tối, du khách sẽ được tham gia các trò chơi: Nhảy sạp, chơi lày cỏ, đi cà kheo… Bên cạnh đó, khu du lịch còn xây dựng riêng một khu vui chơi với các trò chơi dân gian nhằm phục vụ du khách.

Những năm gần đây, việc phát triển du lịch gắn với các lễ hội, trò chơi dân gian vừa tạo sức bật cho du lịch Cao Bằng, vừa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh trong từng lễ hội. Điển hình là điểm Du lịch cộng đồng ở Pác Rằng, Phja Thắp (Quảng Uyên) du khách được tham gia trò chơi: Tranh đầu pháo; Điểm Du lịch cộng đồng Làng Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) đã khôi phục các trò chơi tung còn, đánh yến…

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc, Cao Bằng đã chú trọng tuyên truyền người dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng, thường xuyên duy trì 1 - 2 đội, câu lạc bộ văn nghệ tổ chức tập luyện, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống... Nhờ có nhiều biện pháp khuyến khích mà du lịch tỉnh Cao Bằng ngày càng phát triển. Trong năm 2019, tỉnh Cao Bằng đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch (tăng 21% so với năm 2018), doanh thu từ du lịch đạt 470 tỷ đồng (tăng 29,3% so với năm 2018).

Thời gian tới, ngành Văn hóa Du lịch tỉnh Cao Bằng sẽ đẩy mạnh công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán, đặc biệt là các trò chơi dân gian. Từ đó nâng cao hơn nữa sức hút đối với khách du lịch trên cơ sở phát huy văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.