Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đánh thức thanh âm của đá

PV - 15:16, 22/08/2022

Những thanh đá tưởng như vô tri, nhưng qua bàn tay chế tác của nghệ nhân đã ngân lên thanh âm của đá trong trẻo, lảnh lót như tiếng vang vọng của đại ngàn. Mỗi giai điệu của đàn đá chính là sự “ký âm” bằng trái tim, bằng truyền thống văn hóa dân tộc. Người góp phần đánh thức những thanh âm ấy, phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông.

Chế tác đàn đá mất rất nhiều công sức
Chế tác đàn đá mất rất nhiều công sức

Thánh thót tiếng đại ngàn

Nằm khiêm tốn trong một góc nhà xưởng rộng lớn của Làng nghề Trường Sơn ở Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), khu chế tác của Cơ sở đàn đá Phương Đông luôn rộn rã âm thanh. Tiếng đục chạm vào đá và âm thanh phát ra từ những thanh đá đủ hình thù, kích thước mang đầy tính nhạc.

Dừng tay đục, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông - chủ cơ sở lấy chiếc búa nhỏ gõ thử vào thanh đá vừa chế tác, âm thanh phát ra trong trẻo và ngân dài trong không gian. Thả nhanh chiếc búa xuống nền đất, hai tay phủi vào nhau cho bay bớt bụi đá, ông Đông cười nói: “May quá, chỉnh 3 thanh đá mới tìm được thanh có nốt si rõ nhất. Đây là thanh cuối cùng để hoàn thiện bộ đàn đá cỡ đại, thanh lớn nhất dài gần 1,5m”.

Thời gian gần đây, Cơ sở đàn đá Phương Đông phải làm việc liên tục, bởi số lượng đơn hàng đặt chế tác đàn đá liên tục tăng. Sau khi bàn giao 10 bộ đàn đá cho huyện Khánh Sơn, cơ sở lại bắt tay vào thực hiện 2 bộ đàn đá cỡ đại cho tỉnh Bình Phước và 5 bộ đàn đá tầm trung cho các cơ sở du lịch của các tỉnh lân cận.

Anh Phan Hữu Quân (thợ đục đá) chia sẻ: “Công việc nhiều, tiến độ gấp nhưng mà vui. Mỗi bộ đàn làm ra là sự phục dựng những giá trị cổ xưa của các tộc người trên đại ngàn. Số lượng đàn đá được đặt chế tác ngày càng nhiều cho thấy văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được quan tâm hơn. Việc khôi phục lại những bộ nhạc cụ này như một cách để trả ơn ông cha, những người đã chế tác ra loại đàn độc đáo này”.

Bộ đàn đá “khủng” do ông Đông chế tác
Bộ đàn đá “khủng” do ông Đông chế tác

Khệ nệ đưa thanh đá vừa chỉnh sửa xong lên giá đỡ, nhạc sĩ Phương Đông bắt đầu thử đàn. Bàn tay người nhạc sĩ đã ngoài lục tuần nhẹ nhàng lướt búa trên những thanh đá đen làm vang lên những giai điệu. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Các thanh âm như tiếng của đại ngàn vang vọng. Mỗi nốt nhạc tấu lên như biểu hiện cho tiếng lòng của con người miền sơn cước, có âm vang trầm hùng của núi rừng, có tiếng róc rách của suối chảy…

Duyên nợ với đá

Đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông đã chế tác hơn 100 bộ đàn đá, mỗi bộ đều có những câu chuyện đầy cảm xúc. Từ một nhạc công được phân công chơi bộ đàn đá huyền thoại Khánh Sơn để báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), rồi những phiến “đá kêu” ấy đã bén duyên với ông lúc nào không hay.

Nhớ lại chuyện xưa, nhạc sĩ Phương Đông kể: “Năm 1979, đàn đá Khánh Sơn được phát hiện, tôi và nghệ sĩ Hải Đường, sau này có thêm Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc là những người đầu tiên được phân công tập, biểu diễn đàn đá. Sau này, tỉnh thành lập đoàn ca múa nhạc dân tộc. Tôi được cử làm Phó Trưởng đoàn nên bắt đầu đi tìm kiếm đá để làm bộ đàn đá biểu diễn cho đoàn”.

"Đàn đá là nhạc cụ độc đáo, lâu đời của đồng bào DTTS Raglay ở Khánh Sơn. Tuy nhiên, theo thời gian, nhạc cụ là hồn cốt, báu vật, biểu tượng của người Raglay đang ngày càng mai một. Vì vậy, năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn đã triển khai kế hoạch bảo tồn, khôi phục và nâng cao giá trị đàn đá Khánh Sơn, đưa đàn đá trở về với buôn làng. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các nội dung về bảo tồn, phục dựng đàn đá Khánh Sơn, hàng năm, huyện sẽ tổ chức các cuộc thi, biểu diễn, giao lưu đàn đá trong toàn huyện, thậm chí là với các địa phương khác".

Ông Nguyễn Văn Nhuận Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn

Bắt đầu từ đó, đàn đá từ “duyên” đã trở thành “nghiệp” vận vào người nhạc công chuyên chơi đàn bầu. Ông Đông không nhớ đôi chân mình đã đi qua bao con suối sâu, bao nhiêu khe núi, lật giở không biết bao nhiêu hòn đá chỉ để tìm được phiến đá có âm thanh tương hợp trong một bộ đàn. Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông hồi tưởng: “Những năm đầu tìm kiếm nguồn đá ở Khánh Hòa, đến Ninh Thuận rồi sang cả Phú Yên cũng không được. Lúc đó nản lòng, tưởng như đã thất bại, thế rồi trời thương, tôi tìm được nguồn đá đen rồi bắt đầu chế tác”.

Để tìm kiếm đủ các phiến đá cho bộ đàn không dễ dàng. Hai tháng, ba tháng cũng có thể một năm, hai năm… Không chỉ vậy, để có được âm thanh phù hợp trong một tổ hợp đàn đá, những phiến đá còn phải gọt giũa, chế tác nhiều lần. Nhiều phiến đá, lúc đầu có thanh âm rõ ràng nhưng sau nhiều lần chế tác, các thớ đá bị tách rời, từ viên đá kêu lại trở thành đá câm.

“Đá làm đàn thường có hai loại, đều có nguồn gốc là nham thạch phun trào. Đàn của các tỉnh khác được làm từ đá đen (đá sừng), còn duy nhất đàn đá Khánh Sơn là đá Rhyolit Porphyre. Đá có tiếng kêu hay nhất được tìm thấy chủ yếu ở Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn). Đây chính là nét độc đáo tạo nên sự khác biệt cho đàn đá Khánh Sơn với các bộ đàn đá những địa phương khác”, ông Đông chia sẻ.

Trong 5 năm đầu lội rừng tìm đá, ông Đông đã trải qua nhiều trận sốt rét rừng. Hậu quả là ông phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mới có thể chữa dứt điểm những cơn sốt rét triền miên. Vậy nhưng, duyên nghiệp với đá đã vận vào người đàn ông sinh năm 1960, nên sau những trận sốt rét, ông lại tiếp tục hành trình rong ruổi trên khắp núi rừng Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để đi tìm thanh âm của đá. Hơn 30 năm qua, cứ nghe tin có nguồn đá kêu là ông lại tất tả vào rừng hết tuần này đến tháng nọ…

Để tiếng đàn đá ngân mãi

Tuy bao nhiêu năm dành trọn tâm huyết cho đàn đá, song đến nay, ước vọng lớn nhất của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông không chỉ ở việc chế tác thêm hàng trăm bộ thạch cầm, mà khao khát nhất chính là các thế hệ trẻ người Raglay biết chơi đàn đá. Bởi trong các lễ hội như cúng lúa mới, bỏ mả… đều có sự hiện diện của đàn đá cùng với mã la. Được biết, toàn bộ những nghiên cứu liên quan đến đàn đá của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông sẽ được in thành sách. Từ đó, giúp thế hệ sau dễ dàng tiếp cận với đàn đá, có tư liệu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của đàn đá.

Mới đây, huyện Khánh Sơn đã đặt ông chế tác 10 bộ đàn đá để nâng tổng số bộ đàn đá trên địa bàn huyện lên 12 bộ. Ngay sau đó, ông cùng một số nghệ sĩ khác đã đứng lớp đào tạo cho 30 người biết chơi đàn đá để có lớp kế cận.

 Em Bo Bo Thị Thu Trang biểu diễn đàn đá tại Đêm hội Raglay trong Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2022
Em Bo Bo Thị Thu Trang biểu diễn đàn đá tại Đêm hội Raglay trong Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2022

Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2022 vừa qua, trong Đêm hội Raglay lung linh, huyền ảo giữa thung lũng Tô Hạp, hòa với tiếng mã la vang vọng, tiếng cồng chiêng trầm hùng, hàng nghìn người dân, du khách được lắng nghe tiếng thánh thót của đàn đá Khánh Sơn. Trên sân khấu, những thiếu nữ người Raglay thoăn thoắt đôi tay, thuần thục trên những thanh đàn đá. Đó chính là những hạt mầm được kỳ vọng cho sự bảo tồn, phát huy đàn đá Khánh Sơn.

Em Bo Bo Thị Thu Trang, học sinh lớp 10 Trường THPT Khánh Sơn, 1 trong 30 học viên được đào tạo chơi đàn đá tâm sự: “Là người Raglay, được tham gia lớp đào tạo đàn đá, em hiểu rõ hơn kiến thức về đàn đá. Đây là cơ hội để em học hỏi cách chơi loại nhạc cụ của dân tộc mình. Sau này, chúng em sẽ dùng tiếng đàn đá để phục vụ du lịch và quảng bá văn hóa của người Raglay tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, lưu truyền vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc”.

Chia tay nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, giữa không gian ồn ào của phố phường, chúng tôi cảm nhận dường như vẫn vang vọng thanh âm của đá, vẹn nguyên tiếng của núi rừng như gió núi đại ngàn vẫn thổi qua những miền ký ức, như nước từ dòng Tô Hạp vẫn dùng dằng chảy ngược về phía Tây miền sơn cước. Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông vẫn lặng lẽ với những bản du ca của cuộc đời mình, với đàn đá, với thứ âm nhạc đầy mê đắm của vùng cao. Đó cũng là cách ông giữ gìn vốn quý của văn hóa dân tộc để lại cho mai sau, không phải chỉ riêng mình.