Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đánh thức giá trị văn hóa truyền thống trên vùng đất Gia Lai: Một vùng đất đa sắc màu văn hoá (Bài 1)

Ngọc Thu - 03:06, 25/11/2022

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, Gia Lai còn là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc sinh sống . Toàn tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em đoàn kết, chung sống trong những buôn làng sạch đẹp, thơ mộng và mỗi dân tộc đều đang sở hữu và tìm cách để khai thác giá trị từ những di sản văn hoá độc đáo riêng có.

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại
Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Độc đáo bản sắc văn hoá dân tộc Gia Rai, Ba Na

Tỉnh Gia Lai có trên 46% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Gia Rai và Ba Na. Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Gia Lai, được đúc kết qua các thế hệ nối tiếp nhau, được ví như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất để làm nên sức sống và qua thời gian lắng đọng tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết trong cuộc sống của người dân tộc Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai
Cồng chiêng gắn bó mật thiết trong cuộc sống của người dân tộc Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai

Đến thăm làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, nơi vừa diễn ra Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya. Từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, chính quyền địa phương đã  đưa ra nhiều giải pháp để khai thác giá trị du lịch, gắn với yếu tố cộng đồng, giúp dân làng Gri hòa nhập vào dòng chảy, khôi phục những nét riêng văn hóa đặc trưng của người Gia Rai. Chẳng hạn, địa phương đã mời các nghệ nhân chỉnh chiêng ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) về Chư Đăng Ya để mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 50 người dân trong làng. Nhờ đó mà đến nay, làng đã có đội chiêng và đội xoang nữ với 30 người. Ngoài ra, UBND xã Chư Đăng Ya cũng đầu tư bộ cồng chiêng cho các nghệ nhân trong đội phục vụ dân làng và du khách.

Du khách hoà nhịp cùng Đội cồng chiêng và múa xoang xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh
Du khách hoà nhịp cùng Đội cồng chiêng và múa xoang xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh

Nhìn lại hành trình phát triển, cộng đồng dân tộc Gia Rai, Ba Na coi văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng, với nhà sàn, khung cửi và tiếng cồng chiêng rộn rã. Được thế hệ đi trước truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng gỗ… và nghe kể về văn hóa, lịch sử buôn làng, thế hệ trẻ càng thêm đam mê và tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Từ niềm đam mê ấy, nhiều cô gái đã dệt thành thạo và đẹp các tấm thổ cẩm, nhiều chàng trai đã thể hiện tài khéo léo qua các bức tượng gỗ, qua các sản phẩm đan lát như gùi, rổ, rọ… Để rồi đến mùa lễ, hội, các dịp quan trọng, họ lại chọn những sản phẩm đẹp nhất để trưng lên mình bộ đồ rực rỡ, cùng nhau đánh chiêng, múa xoang, say men rượu cần.

Người dân tộc Ba Na coi văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau
Người dân tộc Ba Na coi văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau

Chị Hồ Thị Viên, làng Pơ Nang, xã Tú An (thị xã An Khê) chia sẻ: “Mỗi lần dệt, thêu hoa thổ cẩm là mình quên hết mọi việc xung quanh. Mỗi tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản, mỗi một điệu múa, lời dân ca, tiếng cồng chiêng... đều mang vẻ đẹp, ý nghĩa riêng thể hiện tâm tư, tình cảm của đồng bào về cuộc sống.  Đối với mình, dệt thổ cẩm và cồng chiêng, hát dân ca Ba Na không chỉ là đam mê mà còn là sự truyền nối văn hoá dân tộc của thế hệ bà, mẹ cho mình và con cháu”.

Hội tụ tinh hoa văn hoá 

Trong số 44 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Gia Lai, bản sắc văn hoá các dân tộc Mông, Tày, Thái, Dao, Sán Dìu… đã được mang từ phía Bắc lên Tây Nguyên cũng đang được bảo tồn và phát huy. 

Đã gần 40 năm kể từ ngày nhóm người Mông đầu tiên rời quê hương Cao Bằng đến lập nghiệp tại xã Ya Hội, huyện Đak Pơ sinh sống hoà nhập. Thế nhưng, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Các phong tục, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp vẫn được người Mông ở Ya Hội lưu giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Vào các dịp hội làng hay lễ, tết, các sinh hoạt truyền thống như: ném còn, leo cột mỡ, đánh quay... vẫn được duy trì đều đặn. Những ngôi nhà ở đây được dựng theo kiểu nhà dài 3 gian, thấp chứ không giống kiểu nhà sàn đặc trưng của người Gia Rai, Ba Na trên Tây Nguyên. Điều đó đã làm những nét văn hóa trên vùng đất này thêm phong phú, đặc sắc khơi gợi sự tò mò, khám phá.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Mông trình diễn múa khèn ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ
Đoàn Nghệ nhân dân tộc Mông trình diễn múa khèn ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ

Lắng trong tiếng khèn “mở đầu” cho các chương trình lễ hội của nghệ nhân người Mông Lý Văn Tu (xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ), du khách bỗng thấy lòng hân hoan đến lạ. Bao năm qua, người đàn ông dân tộc Mông này, vẫn luôn trân trọng giữ gìn, nắn nót từng nhịp điệu khèn mang từ Cao Bằng lên Tây Nguyên. 

Anh Lý Văn Tu chia sẻ: “Mình biết thổi khèn Mông từ khi 15 tuổi. Khi lên Gia Lai sinh sống, mình vẫn giữ nguyên vẹn tiếng khèn Mông. Mỗi lần nhớ quê hương hay có niềm vui, nỗi buồn mình đều dùng tiếng khèn để thể hiện cảm xúc. Mình rất yêu thích khèn Mông - nét văn hoá truyền thống đặc trưng của dân tộc mình và rất vui, tự hào khi được mang lên mảnh đất cao nguyên này”. 

Và còn đặc sắc hơn, đó là văn hoá người Mường trên vùng đất giáp biên giới xã Ia Lâu, huyện Chư Prông.Trong những ngày Lễ, Tết như Tết Độc lập, các thôn, làng của xã Ia Lâu được trang trí cờ, hoa rực rỡ. Đám thanh niên và trẻ con trong làng trong những bộ quần áo xúng xính, kéo nhau đến nhà văn hóa để chơi các trò chơi dân gian như đánh cò le, đánh cù, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh đu…. 

Những cô gái Mường xinh xắn trong trang phục truyền thống ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông
Phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông

Chia sẻ về tục lệ ăn tết Độc lập của người Mường, ông Hà Văn Che, cho biết: Tôi đến đây định cư từ năm 1998 và không quên phong tục đón Tết Độc lập của người Mường chúng tôi. Người Mường ăn tết Độc lập sẽ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn, như là dịp để các thành viên gia đình quây quần, sum họp bên nhau mừng vui ăn Tết.

 Trong ngày Tết, mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt lành, nhất và lời mời rượu. Sau khi ngà ngà trong men say rượu lá, thì lời ca, tiếng hát được cất lên chứa chan ân tình. Không khí rộn ràng, thắm đượm văn hoá dân tộc của người Mường trong ngày Tết Độc lập được kéo dài từ sáng đến tận khuya.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), cũng đón trên 100 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm; Lễ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2022, huyện Ia Grai, đã đón khoảng 13 ngàn lượt khách du lịch tham gia Lễ hội, tăng 3 ngàn lượt so với năm đầu tiên tổ chức. Chương trình Thưởng thức và trải nghiệm cồng chiêng tại phố núi Pleiku, cũng nhận được sự tham gia và phản hồi tích cực từ đông đảo du khách, người dân trong và ngoài tỉnh. 

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Gia Lai sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, là minh chứng cho thấy sức hút mạnh mẽ từ bản sắc văn hoá và di sản thiên nhiên đối với du lịch cũng như tác động đến sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.