Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Dân ca Việt hòa âm cùng giao hưởng

PV - 12:05, 14/12/2022

Vũ điệu Chèo, giai điệu Hát văn hay âm hưởng của các vùng văn hóa Tây Bắc, Chăm Pa, Cố đô Huế, Tây Nguyên… đã được những người làm nghệ thuật đưa vào dàn nhạc giao hưởng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của giới nghề trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống rộng rãi tới giới trẻ cũng như bạn bè thế giới.

Dân ca Việt hòa âm cùng giao hưởng
Dân ca Việt hòa âm cùng giao hưởng

Nhạc cụ gõ truyền thống giao thoa với nhạc hàn lâm

Mới đây, buổi biểu diễn hòa nhạc đặc biệt VNSOxVYO: Family Concert với sự kết hợp giữa các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) và các nhạc công trẻ của dàn nhạc đa quốc tịch đầu tiên tại Việt Nam - Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO), đặc biệt là sự xuất hiện của các nhạc công cộng đồng, đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Đây là lần đầu tiên, tại sân khấu Nhà hát Lớn, tổ khúc giao hưởng Thiên thanh mang âm hưởng âm nhạc dân tộc do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác dành riêng cho Dàn nhạc Giao hưởng trẻ VYO được trình diễn.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Thiên thanh được viết dành riêng cho các bạn trẻ nên tôi đã lựa chọn những gì phù hợp với họ. Và tôi nghĩ, bạn trẻ nào cũng yêu thiên nhiên, vì thế Thiên thanh có nghĩa như phía trước là bầu trời, là màu xanh của biển, của rừng, núi, thiên nhiên, đặc biệt là màu xanh của tuổi trẻ. Đó là những cảm xúc ban đầu đã chấp bút cho tôi vẽ nên một bức tranh sơn hà bằng ngôn ngữ của dàn nhạc giao hưởng. Giai điệu của Thiên thanh là sự mô phỏng âm hưởng của các vùng văn hóa Tây Bắc, Chăm Pa, Cố đô Huế và Tây Nguyên, những nơi đã sinh dưỡng ra giá trị thẩm mỹ âm nhạc cổ truyền của Việt Nam”.

Vẻ đẹp phong cảnh Việt Nam đã được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng vẽ nên trong 3 chương nhạc của tổ khúc dành cho dàn nhạc mang tên Thiên thanh là: Mường Hoa Xuân, Trăng đại ngàn Kinh đô mở hội. Thang âm ngũ cung đặc trưng của các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Chăm Pa và Huế, cùng những nhạc cụ gõ truyền thống của phương Đông như chén hay trống chiến, kết hợp cùng nhạc cụ và hòa âm của âm nhạc phương Tây đã tạo nên một tác phẩm đầy màu sắc.

Tương tự, lần đầu tiên bản Vũ điệu chèo và lên đồng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc được biểu diễn tại khán phòng Hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngay sau khi buổi giới thiệu sách Tác phẩm cho hợp xướng - A cappella thính phòng và giao hưởng của ông kết thúc, là sự kết hợp giữa những tác phẩm nhạc cổ điển phương Tây của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới cùng bản giao hưởng của một nhạc sĩ Việt Nam sáng tác trên nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Maestro Wojciech Czepiel. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã đưa nhiều làn điệu như Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không trong Chèo, hay làn điệu Chầu văn Dọc cờn xá vào bản nhạc. Ông sử dụng nhạc cụ là trống đế, mõ chùa bên cạnh violin, viola, cello, kèn... tạo nên những thanh âm thuần Việt trong một thể thức phương Tây là nhạc giao hưởng. Có những đoạn, tiếng mõ vang lên gợi liên tưởng đến vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính khiến hàng trăm khán giả có mặt trong đêm diễn dành những tràng vỗ tay dài tán thưởng.

Còn với bản Ngày hội dành cho Piano solo viết năm 1978, Đặng Hữu Phúc đã chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng vào năm 2003. Nhạc trưởng Xavier Rist, người Pháp đã chỉ huy Orchestre Philharmonique de Hanol (OPH) biểu diễn bản Ngày hội tại Hanoi Opera House vào 2 ngày 18 - 19.4.2005. Điều đặc biệt là cả 2 đêm diễn dàn nhạc phải chơi bản nhạc 2 lần (bis) do khán giả vỗ tay yêu cầu. Ngay sau đó, nhạc trưởng Xavier Rist đã viết về bản Ngày hội như sau: “Ngắn gọn và xuất sắc, nó thể hiện trọn vẹn ý đồ của tác giả như trong tiêu đề của tác phẩm... Đặng Hữu Phúc đã sử dụng những chất liệu chủ đề đến từ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông đã đưa những chất liệu ấy vào bản nhạc, chuyển đổi và tái tạo chúng, nhìn chúng dưới lăng kính của ngôn ngữ giao hưởng đương đại với một cảm nhận về nhịp điệu và màu sắc rất tinh tế…”.

Hồn Việt mạnh mẽ trong thể thức phương Tây

Nói về sáng tác của mình, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết, ông yêu thích và nghiên cứu Chèo từ lâu. Những làn điệu Chèo mang sự vui tươi, lạc quan và cũng có những đoạn trữ tình. Tác phẩm Vũ điệu chèo và lên đồng khi được dàn nhạc giao hưởng chơi đã tạo nên không khí rộn ràng của ngày hội. Ông muốn đưa người nghe trở về không gian sân đình ở làng quê Bắc Bộ xưa, nơi mỗi làng thường có một chiếu chèo nên dân gian mới có câu “Ăn no rồi lại nằm khoèo, nghe giục trống chèo bế bụng đi xem”.

Tuy nhiên, nhạc sĩ cho rằng, nếu chỉ lặp lại cách thể hiện truyền thống, khán giả thế giới sẽ khó tiếp cận. Vì thế, ông đưa vào sáng tác cho dàn giao hưởng để tạo nên một tác phẩm hình thức phương Tây nhưng mang đậm tinh thần Việt Nam.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là sự kết hợp khéo léo và tài tình các chất liệu từ dân ca Việt Nam với những kỹ thuật và bút pháp sáng tác hiện đại của thế giới. Tác phẩm của ông đã được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Canada…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, khi nghe tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc hòa trong tổng thể của một dàn nhạc giao hưởng, trái tim ông rung lên hai nhịp điệu, một của chèo cổ trên sân khấu truyền thống xa xưa ở làng quê, hai là nhịp điệu khác của chèo trong tư duy âm nhạc hiện đại. “Đặng Hữu Phúc thấu hiểu nghệ thuật Chèo, âm nhạc và tất cả khúc thức trong Chèo, đồng thời kết hợp với nhạc phương Tây, mở ra một sân khấu, không gian, giai điệu hoàn toàn mới. Đặc biệt, tôi nhìn thấy khía cạnh khác của những giá trị âm nhạc truyền thống, gợi mở cho việc sáng tác của chúng ta - làm sao vẫn giữ bản sắc một cách thuần khiết mà có thể tạo nên những sản phẩm mới đầy tính hiện đại”, ông Thiều nói.

Còn với Thiên thanh, nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc, người đồng hành cùng các bạn trẻ trong Dàn nhạc Giao hưởng trẻ VYO và các nhạc công đến từ cộng đồng cho rằng, từ sự am hiểu một cách rất sâu sắc truyền thống âm nhạc của Tây Bắc, Tây Nguyên, Chăm Pa và Huế, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã thổi vào từng giai điệu, từng nét tiết tấu một hồn Việt mạnh mẽ và đầy sắc màu. Qua ngòi bút tài tình của ông, sự giao thoa của những hoà thanh, những nhạc cụ cổ điển phương Tây cùng với những âm hưởng Việt Nam đã tạo nên một tác phẩm hết sức đặc sắc và đầy ý nghĩa cho buổi sum vầy VNSOxVYO: Family Concert. Ở lần kết hợp giữa hai nét đẹp văn hóa này, buổi hòa nhạc mong muốn được cùng cộng đồng tôn vinh những giá trị quý báu của Việt Nam và âm nhạc cổ điển.