Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đắk Lắk: Đoàn Ca múa Dân tộc tham gia triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc việt Nam”

Lê Hường - 19:51, 22/03/2022

Ngày 22/3, bà Kpă Tố Nga, Trưởng đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vừa ban hành kế hoạch tham gia triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” từ ngày 7 đến ngày 14/4, tại Bảo tàng TP. Cần Thơ, với tên gọi “Nhạc cụ truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk”.

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống khèn bầu 6 ống dân tộc Ê Đê
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống khèn bầu 6 ống của dân tộc Ê Đê

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ đưa 15 diễn viên đoàn ca múa dân tộc và 2 ca sĩ tham dự với các nhạc cụ đặc trưng như trống h’gơr, chiêng, đinh pa, đinh puốt, chinh kram, đàn đá…

Thông qua triển lãm, đoàn giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trưng bày, giới thiệu hình ảnh Không gian văn hóa cồng chiêng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng của con người Tây Nguyên; các di tích kịch sử, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, những điểm du lịch ấn tượng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bền vững… các sản phẩm du lịch, sản vật tiêu biểu của Đắk Lắk.

Biểu diễn đinh puốt - một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê
Biểu diễn đinh puốt - một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê Đê

Ngoài ra, đoàn còn tham gia biểu diễn 5 tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, con người, mang hơi thở cuộc sống mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Theo bà Kpă Tố Nga, triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” gắn với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại, là dịp để các đơn vị trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch. Đồng thời, tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của tỉnh, đặc biệt là Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận.