Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đăk Glei (Kon Tum): Hiệu quả từ những mô hình trồng dược liệu

Ngọc Chí - 19:02, 05/06/2024

Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu phấn đấu thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha. Trên cơ sở đó, huyện Đăk Glei đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện. Qua đó, nhiều mô hình liên kết trồng cây dược liệu đã hình thành, giúp đồng bào DTTS nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Huyện Đăk Glei có điều kiện khí hậu, thổ những phù hợp cho việc phát triển các loại cây dược liệu
Huyện Đăk Glei có điều kiện khí hậu, thổ những phù hợp cho việc phát triển các loại cây dược liệu

Đưa cây dược liệu trở thành cây hàng hóa

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển các loại cây dược liệu, tuy nhiên trước đây người dân chỉ trồng với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chính vì vậy, huyện Đăk Glei đã và đang tập trung hỗ trợ và định hướng để người dân phát triển các loại cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường.

Bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khoá XVI “về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong những năm qua, huyện Đăk Glei đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh. 

Tổ chức các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nghề hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Đồng thời, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường liên kết, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu.

Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ đồng bào DTTS
Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ đồng bào DTTS

Huyện Đăk Glei cũng xác định tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, sơn tra, đương quy, quế, nghệ, gừng... tại các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, như: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong, Đăk Plô. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cây giống dược liệu cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Anh A Diên, thôn Kon Liêm, xã Xốp, huyện Đăk Glei cho biết: Huyện tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thì đến nay gia đình đã trồng được 50 gốc sâm Ngọc Linh từ 3 - 5 năm tuổi. Gia đình đang cố gắng chăm sóc để sau này có nguồn thu nhập ổn định.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh với quy mô lớn
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh với quy mô lớn

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển diện tích các loại cây dược liệu. Tính từ năm 2019 đến nay, có gần 500 hộ gia đình vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để trồng cây dược liệu, với tổng dư nợ gần 27 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng các loại cây dược liệu.

Những mô hình hiệu quả

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng thuận trong Nhân dân, đến nay, huyện Đăk Glei đã trồng hơn 984 ha cây dược liệu; trong đó, sâm Ngọc Linh hơn 40ha. Đã hình thành 10 Hợp tác xã hoạt động đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Các mô hình trồng cây dược liệu bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trải qua hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến mô hình trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của 6 hộ gia đình DTTS tại thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei. Với diện tích hơn 5.000m2, những cây nấm Linh chi đỏ đang sinh trưởng tốt dưới sự che chở của những cánh rừng nguyên sinh quanh năm mây mù bao phủ.

Mô hình trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của các hộ dân tộc Gié Triêng ở xã Xốp, huyện Đăk Glei
Mô hình trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của các hộ dân tộc Gié Triêng ở xã Xốp, huyện Đăk Glei

Anh A Đâm (dân tộc Gié Triêng), thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei tham gia trong Tổ hợp tác trồng nấm Linh chi đỏ chia sẻ: Tổ hợp tác chúng tôi có 6 hộ, mỗi hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu và góp chung để mua phôi nấm về trồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vừa rồi thu hoạch lứa đầu tiên được 80kg, bán với giá 1,5 triệu đồng/1kg. Hiện nay cây nấm vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, chúng tôi còn thu hoạch được 2 lứa nữa. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng nấm Linh chi đỏ trong thời gian tới.

Cũng nằm trên triền núi với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển chúng tôi đến với mô hình trồng sâm Ngọc Linh của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp. Mặc dù có khó khăn trong việc chăm sóc nhưng với sự cần mẫn, chăm chỉ của gia đình, hiện gia đình chị đã trồng được hơn 400 cây sâm Ngọc Linh hơn 5 năm tuổi.

Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm quan mô hình trồng sâm Ngọc Linh của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp
Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm quan mô hình trồng sâm Ngọc Linh của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp

Chị Nguyên Thị Huyền kể: Lúc đầu gia đình vay là 50 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua hạt giống sâm Ngọc Linh về ươm trồng. Hiện cây đã hơn 5 năm tuổi và cho trái, gia đình sẽ tiếp tục ươm giống và phát triển thêm. Với lợi thế về điều kiện khí hậu nên cây sâm Ngọc Linh có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt. Đối với cây sâm Ngọc Linh từ năm thứ 7 trở đi là có thể bán củ và mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Với đặc thù hơn 90% là đồng bào DTTS sinh sống, cây dược liệu được xem như cây trồng hiệu quả ở huyện Đăk Glei, giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Để các loại cây dược liệu này trở thành cây hàng hóa và huyện trở thành vùng trồng dược liệu trong điểm của tỉnh, huyện Đăk Glei tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào huyện và hình thành chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.