Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Hoàng Quý - 13:00, 02/11/2023

Sáng 2/11, trong phiên thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cùng nhiều nội dung quan trọng khác, các Đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện vốn đầu tư công còn hạn chế, như việc lập kế hoạch chưa sát với thực tiễn, phải điều chỉnh nhiều lần, nhiều nguồn vốn chưa được phân bổ làm ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án quan trọng...

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ): Bố trí ngân sách bảo đảm ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở

Đại biểu Nguyễn Thành Nam nhất trí cáo với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách bảo đảm ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Trong giai đoạn ngân sách 2022 - 2025, một số chính sách do Trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp. Đến nay một số chính sách, chế độ mới do Trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn.

Điều này gây áp lực cho các địa phương rất lớn, cụ thể: Chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ và nay được thay thế tại Nghị định 33, người hoạt động ở thôn bản, tổ dân phố có không quá 3 chức danh, gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Ban Công tác Mặt trận được hưởng phụ cấp hàng tháng; trường hợp luật có quy định khác, thực hiện theo quy định của luật đó.

Theo đó, ngân sách trung ương đã xây dựng mức khoán để bảo đảm cho 3 chức danh nêu trên. Đối với các chức danh còn lại như: Thôn đội trưởng, Công an viên, Y tế thôn bản, Ban Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, Đội phó Dân phòng không thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu dân cư. Tuy nhiên, các văn bản quy định chế độ chính sách của các chức danh này đang còn hiệu lực. Để bảo đảm ổn định chế độ chính sách cho các lực lượng được Chính phủ quy định, văn bản đang còn hiệu lực, ngân sách địa phương đang phải bố trí để duy trì, nhằm ổn định an ninh trật tự ở cấp xã và khu dân cư.

Đại biểu cũng nêu thực tế, đối với nguồn vốn đối ứng các Chương trình mục tiêu quốc gia và việc xây dựng trụ sở, trang thiết bị làm việc cho Công an các xã, tuy nhiên, các địa phương chưa cân đối được ngân sách, rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn lực để bố trí theo quy định.

Về chính sách tăng lương ở mức cơ sở, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở như chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế do cấp huyện cấp tỉnh đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để bảo đảm tỷ lệ giáo viên đứng lớp; hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho HĐND các cấp. 

Mặt khác, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong... Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ Ngân sách trung ương.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa)
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa)

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa): Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hữu Trí, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân. Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản còn nhiều vướng mắc và trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình cần được sớm tháo gỡ.

Nguồn vốn đầu tư còn phân tán, nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên vùng nhằm tạo tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước. 

Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước sẽ giảm. Một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi)
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi)

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi): Tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra về kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách đầu tư công trung hạn. Đại biểu nêu rõ một số nội dung cần tiếp tục quan tâm.

Theo đó về kỉ luật quản lý tài chính ngân sách, đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đàm bảo; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn; đồng tình với việc tăng dự phòng ngân sách, bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về phân bổ vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ trình Quốc hội phân bổ nhiệm vụ chi 70 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều nhiệm vụ chi liên quan đến chính sách con người trong khi thời gian thực hiện ngân sách; phân tích nguyên nhân đầy đủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thấp hơn định mức phân bổ chi thường xuyên để có giải pháp quản lý ngân sách; đề nghị phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tránh tình trạng vốn dồn cuối năm thực hiện chương trình. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm, phân tích cụ thể những nhóm chi chuyển nguồn.

Về cơ cấu vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với đánh giá của Chính phủ và đồng tình với việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, về cơ cấu ngân sách trung hạn cần cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tăng cơ cấu tín dụng. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định về tiêu chí, thẩm quyền, nội dung, phạm vi áp dụng nguyên tắc điều hòa vốn đầu tư công để ưu tiên dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, khả năng hấp thụ vốn cao.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị tiếp tục đánh giá thực chất việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỉ lệ giảm nghèo, giảm thiểu tác động của chính sách…Đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương.