Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đặc khu kinh tế - “Phòng thí nghiệm” về thể chế?

PV - 08:05, 10/11/2017

“Thai nghén” đã lâu, đặc khu kinh tế được kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn về phát triển kinh tế - xã hội, có thể được coi là “phòng thí nghiệm” về thể chế.

Bước đi không thể chần chừ

Trong bối cảnh hiện nay khi khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn thì việc tạo các chính sách, thể chế vượt trội nhằm tạo cú huých trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh đang được coi là hướng đi đúng đắn, và là bước đi không thể chần chừ.

dac khu kinh te - "phong thi nghiem" ve the che? hinh 1
Phối cảnh tổng thể Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo Chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều nay (10/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Có thể hiểu đây là luật cho phép thành lập các đặc khu kinh tế.

Chiều cùng ngày, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật này.

Trên thực tế, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được “thai nghén” trong thời gian dài, nên phải xây dựng cho được đạo luật này, tránh vuột mất cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trên thế giới có hàng nghìn đặc khu và rất nhiều trong số đó thành công. Ở quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng vừa lập mới thêm 10 đặc khu kinh tế.

Theo ông Phúc, điều quan trọng là cần có luật riêng cho đặc khu vượt trội, khác với phần còn lại cả về mô hình, cơ chế đột phá. Nếu làm được thì đây sẽ là “phòng thí nghiệm” về thể chế.

dac khu kinh te - "phong thi nghiem" ve the che? hinh 2
Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội 

Sau quyết định của Bộ Chính trị, hiện Chính phủ đã chọn 3 đặc khu kinh tế để phát triển, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của 3 khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong hiện nay ra sao và dự luật đã thiết kế các điều khoản giúp các đặc khu trên cạnh tranh với quốc tế hay chưa?

Chia sẻ băn khoăn này, ông Phúc lưu ý, thực tế việc thành công hay không mô hình đặc khu kinh tế với cải cách mạnh thể chế trong tương lai phụ thuộc nhiều yếu tố, như dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng thời kỳ, và cả quá trình quản lý, vận hành các đặc khu sau này. Dự luật đưa ra những đột phá, cơ chế đặc biệt để phát triển mà trước đây “chưa hình dung được”.

Ưu đãi vượt trội

Cụ thể hơn, ông Trần Huy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu một loạt điểm ưu đãi vượt trội của thuế, cơ chế đặc khu cao hơn nhiều các nước, như cho thuê đất 99 năm với điều kiện ràng buộc chủ đầu tư, cho phép giải quyết xung đột tại toà án nước ngoài. Thuế thu nhập cá nhân được miễn trong 5 năm và giảm 50% các năm tiếp theo, cơ chế một cửa tại chỗ do Trưởng đặc khu quyết định...

Riêng về ưu đãi thuế, phí, ông Đông cho hay, theo tính toán 3 đặc khu kinh tế trên khi được hình thành có thể đạt mức thu nhập bình quân lên đến 12.000 - 13.000 USD/năm, tương đương từ 23 - 25 triệu đồng/tháng.

Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Phú Quốc, con số này khoảng 3,3 tỷ USD.

Cuối thập niên 60 thế kỷ trước đã xuất hiện làn sóng mở cửa khu kinh tế tại nhiều quốc gia. Trên thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này.

Tại Việt Nam, sau gần 30 năm phát triển các khu kinh tế, hiện Việt Nam đã có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp được thành lập trong cả nước... Các khu kinh tế này đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động... Những con số này được cho là khá khiêm tốn với tiềm năng phát triển kinh tế của lượng lớn các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Theo đánh giá của ông Trần Duy Đông, Việt Nam đã đi quá chậm: Từ năm 2003 ra đời các phương pháp nghiên cứu đặc khu hành chính, đề xuất nhưng vẫn chưa quyết được. Cơ chế mở của đặc khu là sẵn sàng đàm phán để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhưng nếu chưa được luật hoá thì khó thuyết phục được họ rót vốn.

dac khu kinh te - "phong thi nghiem" ve the che? hinh 3
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh) được chọn là nơi sẽ xây những phòng thí nghiệm đầu tiên mang tên “đặc khu kinh tế”, nếu Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Luật có tính vượt trội, có khả năng cạnh tranh và có tính đột phá, cơ chế cởi mở, thông thoáng. Tuy nhiên, ông Trung cho hay, ở Việt Nam có điểm đặc biệt là đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản, đất đai sở hữu toàn dân.

Ông Trung nhấn mạnh đến chính sách thuế: Cao nhất là không còn thuế, vượt trội cuối cùng thành “thiên đường thuế”, tạo ra hấp dẫn mới đối với các đặc khu kinh tế.

Dự Luật đặc khu hành chính đặc biệt gồm 70 điều sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 10/11 và thảo luận vào ngày 22/11 tới. Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm này Quốc hội sẽ xem xét lần đầu dự án luật và dự kiến thông qua ở kỳ họp tiếp theo./.
Theo vov.vn