Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đã đến lúc ngành Nông nghiệp phải tự giải cứu mình

Thanh Huyền - 10:25, 26/02/2020

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nông sản cả nước đặc biệt là nông sản ở các vùng chuyên canh trồng dưa hấu, thanh long, như: Bình Thuận, Gia Lai, Long An, Tiền Giang… đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ đã và đang tăng cường các giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời điểm này. Tuy nhiên, để giải quyết đầu ra cho nông sản bền vững, cần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp độc lập, tự chủ.

Đã đến lúc ngành Nông nghiệp phải tự giải cứu mình
Khó khăn trong tiêu thụ nông sản thời Covid-19 sẽ giúp Việt Nam nhìn nhận lại trong việc xây dựng nền nông nghiệp tự chủ với tầm nhìn dài hạn .(Trong ảnh: Người dân “giải cứu” dưa hấu). Ảnh tư liệu
Khó khăn trong tiêu thụ nông sản thời Covid-19 sẽ giúp Việt Nam nhìn nhận lại trong việc xây dựng nền nông nghiệp tự chủ với tầm nhìn dài hạn .(Trong ảnh: Người dân “giải cứu” dưa hấu). Ảnh tư liệu

Những ngày này, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, không khó gặp những dải băng rôn đỏ với dòng chữ: “Giải cứu dưa hấu/giải cứu thanh long”… thu hút sự chú ý của nhiều người. Người tiêu dùng trong nước và các doanh nghiệp (DN), các tổ chức, cá nhân đã rất có ý thức khi chủ động tham gia vào quá trình “giải cứu” nông sản. 

 Nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tung các chương trình hỗ trợ giải cứu nông sản, bán hàng không lợi nhuận, nhằm hỗ trợ nông dân thu hồi vốn. Cùng với đó, việc kết hợp nông sản như dưa hấu, thanh long trong các sản phẩm như bánh mì, pizza… đang được nhiều DN triển khai nhằm góp phần giúp tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

 Tại Hà Nội, nhiều tiệm bánh, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã cho ra đời bánh mì, bánh bông lan, bánh bao, pizza thanh long, nhận được nhiều ủng hộ, đón nhận của người tiêu dùng.

Để đẩy mạnh thị trường trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có những giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ DN đối phó với dịch. Ví dụ: Đề nghị DN logistics, nhất là các đơn vị có kho lạnh, hỗ trợ DN kinh doanh nông sản bằng cách ưu tiên bảo quản những mặt hàng đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu; hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch; tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, cắt giảm chi phí đầu vào thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các DN đang phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch…

 Ngày 21/2 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, DN phát triển nông nghiệp để chủ động đón bắt thời cơ mới. Thủ tướng nhất trí với ý kiến của DN cho rằng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chủ động với thị trường toàn cầu, đồng thời giải quyết được tình trạng “được mùa rớt giá”. Việt Nam ở đâu cũng có sản phẩm nông nghiệp, cũng có đặc sản, cho nên vấn đề tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là điều rất quan trọng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới. Đây được xem là ưu tiên hàng đầu để Nhân dân có nông, thủy sản sạch, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn…

Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam không thể mãi trông chờ “giải cứu”, mà phải tự “giải cứu” chính mình. Có thể thấy, dịch bệnh Covid -19 vừa là thử thách lớn, nhưng cũng lại là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh cơ cấu lại kinh tế với những tầm nhìn dài hạn hơn.