Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cựu giảng viên đại học dân tộc Tày trăn trở với văn hóa truyền thống

Thanh Phong - 11:05, 25/05/2022

Chúng tôi có cơ duyên được đặt chân đến vùng đất thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và gặp ông Hà Ngọc Kiệu, 76 tuổi, dân tộc Tày là một cựu giảng viên, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS.

Lớp học tiếng Tày của ông Kiệu có nhiều học viên từ già đến trẻ tham gia rất nhiệt tình
Lớp học tiếng Tày của ông Kiệu có nhiều học viên từ già đến trẻ tham gia rất nhiệt tình

Trong ngôi nhà nhỏ giản dị cuối làng của gia đình, ông Hà Ngọc Kiều kể: Năm 2012, ông trở về quê hương Hưng Khánh, sau hơn 40 năm công tác tại Trường Đại học Giao thông Vận tải. Lý do tôi trở về quê hương, là bởi mong muốn được trở về với những kỷ niệm của tuổi thơ và được góp sức xây dựng cho quê hương. Khi về đây, tôi cũng tham gia công tác Đảng, Chủ nhiệm câu lạc bộ văn thơ, dạy tiếng Tày, đàn tính - hát then cho bà con.

“Vài năm trở lại đây, nhận thấy những giá trị văn hóa của người Tày đang dần bị mai một, tôi đã đề xuất với chính quyền địa phương, xây dựng Đề án gìn giữ và phục hồi lại một số môn nghệ thuật như đàn tính - hát then, dạy giã cốm, đánh khăng, làm yến, làm còn, đánh còn...”, ông Kiệu chia sẻ.

Ông Kiệu trăn trở, “người dân tộc Tày ở Hưng Khánh chiếm đa số. Tuy nhiên, người dân nơi đây chủ yếu giao tiếp bằng phổ thông, điều đó sẽ khiến cho tiếng Tày ngày dần mai một, kéo theo là những nét bản sắc văn hóa của dân tộc Tày cũng sẽ chìm vào quên lãng”.

Từ trăn trở với văn hóa dân tộc, ông Kiệu đã đứng ra mở lớp học tiếng Tày, đàn tính và hát then cho người dân trong vùng đến học. Đến thăm lớp học của ông Hà Ngọc Kiệu, chúng tôi khá bất ngờ, bởi lớp học có các học viên đủ mọi lứa tuổi khác nhau: có người già, thanh niên, nam nữ và có cả những em bé chừng 10 tuổi.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm từng giảng daỵ ở trường đại học nên ông Kiệu không khó khăn để tạo nên một lớp học, với bài giảng là những câu chữ, những hình ảnh con vật sinh động kết hợp với trò chơi, giúp cho học viên dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng vào thực tiễn giao tiếp.

Ông Kiệu chia sẻ, tiếng dân tộc Tày chủ yếu chỉ là tiếng nói, còn chữ viết là phiên âm tiếng Việt nên cũng có sự thuận lợi trong việc truyền đạt dạy tiếng. Còn trong lớp đàn tính, hát then, ông cùng với một số nghệ nhân trong xã xây dựng bài giảng cho học viên từ bài cơ bản đến bài nâng cao.

Ở quê hương, ông Hà Ngọc Kiệu rất tích cực tham gia và vận động bà con xây dựng nông thôn mới. Ông cười nói với chúng tôi: “Còn sức khỏe thì cứ tham gia thôi. Cái khó nhất là việc vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn”.

“Việc vận động bà con cũng có cái khó, nhưng phải biết được tâm lý của người dân. Người dân lo sợ mất đất, tuy nhiên, bản thân tôi cũng chia sẻ quyền lợi của bà con như khi hiến đất thì không mất kinh phí để xây dựng tường rào, làm sân”, ông Kiệu nói.

Với cương vị là Chủ tịch Hội giáo chức xã Hưng Khánh, ông Kiệu đã tổ chức một số hoạt động như thăm hỏi các hội viên, người cao tuổi, tham quan viếng lăng Bác, về thăm quê Bác... nhiều hoạt động như hỗ trợ thành viên, các gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với sự nhiệt thành, tâm huyết trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Hà Ngọc Kiệu cũng được nhiều người dân kính trọng và yêu quý, luôn là một tấm gương sáng ở tuổi già mẫu mực noi gương cho con cháu.